5 nhà thơ: Nguyễn Hoa, Thiếu Khanh, Hoàng Hưng, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh. Ảnh do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cung cấp. |
1. Cữ tháng bảy xứ gió Lào cát trắng cứ thoắt mưa chợt nắng. Trời âm âm, không khí nồng oi. Theo chân anh bạn viết người Quảng Trị, tôi về làng Hải La, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Tiết tháng bảy chả mưa dầm sùi sụt thuở thi hào Nguyễn Du tế mười loại chúng sinh nhưng màu mây khói đèn tả tơi trên đầu đương lọc ra thứ nắng non yểu kia như đang tố cữ này là tháng âm. Tháng âm của một trong những xứ sở chất chồng hài cốt binh lính trận vong nhất nhì nước. Xứ sở mà đất đai sông núi nhuốm máu trận mạc nhiều nhất.
…Cung cách báo cáo thì hành chính, thậm chí hơi khô và thô lúc làm việc với một cán bộ địa phương. Nhưng những con số mất mát chết chóc thì khó mà vô hồn. Riêng mỗi Triệu Phước đây có 349 liệt sĩ, Hải La đã là 152…
Đương thẫn thờ ngó ra thứ nắng yểu ngoài sân, bất đồ nghe anh bạn đồng nghiệp hỏi nhỏ ông chính sách chứ số quân nhân phía bên kia chết trận của Triệu Phước là tầm bao nhiêu? Tôi giật mình nhưng chất giọng của đồng chí cán bộ chính sách vẫn bình thản. Có… có. Chưa có chỉ thị nào nhưng chúng tôi đã sơ bộ tính đếm, chưa thống kê được hết, nhưng vượt xa con số liệt sĩ của xã nhà…
Theo chân anh cán bộ chính sách, chúng tôi rẽ vào một ngôi nhà cũ kỹ. Đó là nhà ông Bùi Hồng Thạnh, một người rất khó đoán tuổi. Ông có mái tóc xõa hơi dài khá nghệ sĩ, những nét lam lũ gân guốc nhàu nát đan chen trên khuôn mặt. Trên trang thờ dựa vào nóc chiếc tủ ly, tôi đếm có mười tấm kính. Ba tấm không có ảnh, chỉ có tên người đã khuất. Bốn liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ. Ngoài cùng có tấm ảnh chụp một người đàn ông có chiếc mũ nồi. Đó là ông Linh, lính biệt động quân, anh trai ông Thạnh, nằm xuống năm 1968.
Hồi nãy, qua ông cán bộ chính sách, tôi biết ông Thạnh nguyên là y sĩ của Quân đội Sài Gòn. Trong câu chuyện ông khá kiệm lời. Thi thoảng ông hướng cái nhìn đăm đăm lên trang thờ, điếu thuốc rê luôn ngún khói trên tay. Ông nói rằng đêm nào cũng thắp nhang lên đó. Sau này, tôi biết thêm, sau thời điểm năm 1975, đi cải tạo xong, ông Thạnh đến giờ vẫn ở vậy. Chưa vợ con chi và chắc là không?
Chất nắng Quảng Trị dễ gây ảo giác rằng, mọi vật đang thiêm thiếp dưới nắng kia hao hao hình hài của cuốn phim âm bản. Tôi sực tỉnh khi rón rén lén qua những lát sắn khô đang oằn mình trên sân xi măng để theo ông Thạnh ghé một nhà ven đường. Nhà Bà mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Yến. Trong lòng nhà âm âm sáng. Mẹ Yến và một cụ bà nữa trạc tuổi mẹ đang têm trầu.
37 năm sau cuộc gặp trên trang giấy. |
Ông Thạnh là chỗ bà con quen thân với gia đình mẹ Yến. Mẹ Yến người mảnh, nét mặt răn reo phúc hậu, biết và thuộc nhiều bài dân ca. Người con trai duy nhất của mẹ, Nguyễn Hữu Tăng, hy sinh ngay tại quê nhà mùa hè đỏ lửa năm 1972. Mẹ không ở một mình. Mẹ Thí tuổi bảy ba đang têm trầu kia là người cùng xóm thi thoảng lại sang ở với mẹ Yến. Hai cô gái đẹp người đẹp nết của làng ngày mô hô bài chòi giọng trong và cao nhất xóm chừ thành hai bà lụ khụ.
Chồng mẹ Thí vô du kích rồi hy sinh. Cậu con trai độc nhất bị bắt lính vào quân đội Sài Gòn rồi chết trận. Hai di ảnh một con một cha, ngày nào là hai đầu chiến tuyến nay chung treo một vị trí ở trang thờ nhà mẹ Thí cứ đêm đêm lại lấp lánh ánh đỏ của đầu que hương chiếu vào...
Theo yêu cầu của anh bạn tui, mẹ Yến cùng mẹ Thí sẵn lòng hát một vài làn điệu bài chòi. À ơ... Thà rằng không biết thì thôi / Biết ra mỗi đứa một nơi cũng buồn... A ơ... Con rắn hắn không chân mà bò khắp năm rừng bảy rú / Con gà hắn không vú mà nuôi chín mười con ... Giọng ca của mẹ Thí hơi có chi run rẩy của tuổi già nhưng hồn cốt cứ như thời con gái À ơi... Anh nói với em là thủ tiết lòng son / Mà chừ anh đã nghe ai khiến em đợi mòn...
Cũng là nhịp trầm bổng. Thứ bổng ấy là lời ca. Thứ trầm là lời kể... Không đi lính bên nê thì phải đi bên tê. Không đi không được mô chú ơi. Thời nớ hắn ra rứa cả... Chất giọng mộc mạc bình thản cứ như chuyện tương cà mắm muối khi hai mẹ kể về những đận xót xa. Chao ơi, trận vong nhiều lắm chú ơi... Mẹ Thí, mẹ Yến tay quệt cốt trầu mà tôi nghe trong cử chỉ yên lành ấy như đang giông đang bão.
Những Lê Lựu, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật, Lê Minh Khuê… ngồi với các nhà văn Mỹ vốn là cựu binh, là lính trận trong không khí hòa hợp hòa giải. |
Quanh nhà mẹ, luẩn quẩn xóm nhỏ ni thôi, không người đằng mình thì người bên tê, hơn hai chục nhà có hoàn cảnh éo le. Em gái mẹ Yến, bà Dương Thị Ẩn có chồng là lính VNCH chết trận năm 1968. Người anh trai mẹ Yến lại là Bí thư Huyện ủy Triệu Phong bám trụ ngay tại quê nhà cả vào thời kỳ đen tối nhất.
Nắng cứ lui mãi về chiều như câu chuyện cứ dày mãi lên về những mảng đời đan xen hanh thông lẫn may rủi lầm lụi. Tôi nhìn đống bã trầu vun lùm lùm bằng cái mũ cối ở góc sân nơi có những lát sắn khô đang oằn lên trong nắng. Ngày thì có thể ít nhưng như mẹ Yến nói đêm mô hai mạ cũng bỏm bẻm trầu như rứa.
Một cách tìm khuây, tìm quên? Từng mô trầu mỗi ngày hả mạ? – Tôi ngập ngừng… Thì cũng hai ba chục miếng chi đó... À ơi ru em em théc (ngủ) cho muồi (say) / Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu / Mua vôi chợ Quán chợ Cầu / Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh.
Tôi ngó ra sân nắng. Nam Phổ đâu, Chợ Dinh mô? Huế xa. Huế tít mù ở mô. Hải La đây miên man những ngày nắng lóa nắng tướp cả ngọn dừa. Và đêm đêm những ngọn gió hiếm hoi từ sông Thạch Hãn vẳng lên tiếng đò máy phành phạch điểm nhịp cho những câu chuyện bất tận, những câu chuyện không đầu đuôi của hai bà già. Một là Mẹ Việt Nam anh hùng và một là bà mẹ có đứa con trai độc nhất chết trận. Bữa mô có trăng thì hát. Trầu với hát cứ mãi rứa chú nờ...
2. Tôi không có dịp chứng những ngày hào sảng, khoát hoạt của các nhà chữ nghĩa xứ mình những Lê Lựu, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Tiến Duật, Lê Minh Khuê… ngồi với các nhà văn Mỹ vốn là cựu binh, là lính trận trong không khí hòa hợp hòa giải như thế nào. Mà nữa, hình như hiếm lắm những cuộc các nhà văn, nhà thơ mình ngồi với người mình một thời phía bên kia chiến tuyến?
Nhưng lần ấy tại Quảng Ninh, tôi được chứng cuộc gặp của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với Thiếu Khanh, một thi sĩ của quân đội VNCH ngày trước. Thiếu Khanh đã có mặt trong chương trình của Hội nghị quốc tế Giới thiệu văn học Việt Nam tại Hà Nội vào đầu tháng 1-2010. Chương trình có một đêm thơ giao lưu tổ chức tại Quảng Ninh. Đêm giao lưu, mọi người đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo có phần hơi trịnh trọng lẫn xúc động giới thiệu thi sĩ Thiếu Khanh, người mà ông thuộc thơ từ… 37 năm trước nay mới được gặp!
Thứ tri âm của giống thi nhân cũng lạ. Đi đến đâu, người ta cũng thấy hai người quấn quýt. Nguyễn Trọng Tạo đọc vanh vách nhiều bài, nhiều đoạn thơ của Thiếu Khanh trước mặt thi sĩ cùng người dự giao lưu. Đơn giản, đâu như năm bảy mươi gì đó, anh lính QĐND Việt Nam Nguyễn Trọng Tạo tình cờ vớ được tập thơ có tên Trong cơn thao thức của anh lính VNCH Thiếu Khanh. Đọc vài lần là nhớ.
Nhà thơ Nguyễn Trọng tạo bộc bạch đại ý: Trường hợp thích và nhớ thơ Thiếu Khanh rồi có ý đi tìm tác giả và nay gặp được cũng là một thứ duyên lạ! Thơ thiếu Khanh thời ấy khiến tôi xúc động, cũng như tôi đã từng nghe trộm nhạc Trịnh Công Sơn (TCS) vì thích, để rồi khi gặp nhau như đã quen từ lâu. Mà không chỉ có tôi, nhiều người lính miền Bắc thời chiến tranh cũng vậy, họ cầm súng nhưng họ có tâm hồn nhân văn.
Khi chúng tôi làm cuốn sách đầu tiên về TCS, chúng tôi có cho in bài vở, hồi ức của bất cứ ai viết về TCS mà chúng tôi có được, từ trong nước đến hải ngoại, bất kể “tiểu sử” họ thế nào, miễn là họ đã yêu nhạc Trịnh… Khi làm cuốn sách này tôi nhận ra nhiều người đã có một tình yêu tác phẩm tác giả vượt lên tất cả những tục lụy, hệ lụy.
Nhờ thế mà cuốn sách “Trịnh Công Sơn – một người thơ ca, một cõi đi về” dày 520 trang đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất suốt mấy tháng liền kể từ sau 45 ngày mất của ông. (Sau này tái bản, cuốn sách được đổi tên là “Một cõi Trịnh Công Sơn”). Có người nhận xét: Cuốn sách đầu tiên về TCS không phải được làm ở miền Nam nơi TCS gắn bó, mà là ở miền Bắc. Theo tôi, điều đó không quan trọng, quan trọng là tình yêu nghệ thuật mà thôi.
Nhà thơ họ Nguyễn hướng cái nhìn ấm áp về phía thi sĩ Thiếu Khanh.
Ba thèm một lòng nôi suốt sáu năm lính thú
Có con ra đời làm chứng cho Ba
(Vì nếu không may mà Ba nằm xuống
Lấy gì xác nhận Ba đã có mặt trên đời!)
Còn ông thi sĩ miền Nam tuổi đã luống ấy thì gục gặc cái đầu đại ý, phải chăng những câu thơ đó có ý nghĩa không chỉ với những con người ở miền Nam trong cuộc chiến?
Trên hai khuôn mặt đương rạng lên vẻ cả cười ấy, tôi thoáng thấy khóe mắt Thiếu Khanh hơi ướt…