Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp nhĩ châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt

Hội nghị triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2017 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Hội nghị triển khai công tác phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2017 tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
TP - Mới đây, Hội đồng thông qua đề cương cấp cơ sở Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã triển khai thông qua 2 đề tài nghiên cứu trong hỗ trợ, điều trị và cai nghiện thuốc lá. Đề tài thứ nhất là: “Nghiên cứu lâm sàng trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp nhĩ châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt” và đề tài thứ hai là: “Đánh giá tác dụng của viên ngậm CTL kết hợp tư vấn trong điều trị cai nghiện thuốc lá”.

 Hai đề tài được thực hiện bởi Nhóm nghiên cứu Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương do Ths. Đào Hữu Minh đứng đầu và có sự tham gia của: BS.CKII. Trương Thị Xuân Hòa; TS. Trần Thái Hà; KS. Nguyễn Tường Linh và các cộng sự. Nhóm nghiên cứu đã tiếp tục phát triển những nghiên cứu mới trong đó áp dụng phương pháp không dùng thuốc (nhĩ châm, xoa bóp, bấm huyệt…) để tư vấn, điều trị và cai nghiện cho bệnh nhân nghiện thuốc lá.

Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng Y học cổ truyền

Thuốc lá gây các bệnh nguy hiểm đối với sức khoẻ con người và là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới. Các nghiên cứu cho thấy, nghiện thuốc lá chính là vấn đề sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam. Nước ta nằm  trong nhóm 15 quốc gia có số người hút thuốc nhiều nhất trên thế giới. Khoảng 47,4% nam giới ở Việt Nam hút thuốc lá, và 1,4% nữ giới. Phần lớn người hút thuốc bắt đầu biết đến “làn khói trắng” từ khi còn rất trẻ, với 56% người bắt đầu hút thuốc là trước tuổi 20. Bệnh tật và tử vong liên quan đến thuốc lá luôn cao. Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Nghiên cứu cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do dùng thuốc lá chiếm 12% tổng gánh nặng bệnh tật của quốc gia.

Nhằm tăng cường công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá đã hỗ trợ thành lập nhiều trung tâm cai nghiện thuốc lá tại các bệnh viện đại diện cho miền Bắc, Trung, Nam trong đó Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá đã giao nhiệm vụ cho Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương là 1 trong 10 bệnh viện và là Bệnh viện Y học cổ truyền duy nhất triển khai công tác tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá.

Hiện nay, có rất nhiều công trình nghiên cứu cai nghiện thuốc lá. Y học cổ truyền cũng có nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ cai nghiện thuốc lá. Các biện pháp thường dùng để hỗ trợ người nghiện thuốc lá vượt qua hội chứng cai đó là: nhĩ áp (dán cao thuốc vào huyệt trên loa tai). Viên ngậm Nosmoke hỗ trợ bệnh nhân khi xuất hiện hội chứng cai thuốc lá, dùng các bài thuốc bổ trợ nhằm nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng, bổ khí, bổ huyết… hướng dẫn một số bài tập khí công, luyện thở…

Kết quả đạt được trong các nghiên cứu cai nghiện bằng YHCT

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá. Năm 2016, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã tiến hành triển khai đề tài: “Nghiên cứu xây dựng phác đồ tư vấn cai nghiện thuốc lá (không dùng thuốc: châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt…) của y học cổ truyền hỗ trợ cho bệnh nhân cai nghiện thuốc lá trên cở sở kết quả đạt được tổng số tốt và khá trên 69%. Bệnh viện Y học cổ truyền T.Ư đã cai nghiện thuốc lá cho gần 150 bệnh nhân đến trực tiếp nhận tư vấn và hỗ trợ tại bệnh viện và khoảng hơn 435 bệnh nhân nhận tư vấn qua điện thoại.

Với kết quả đạt được khả quan đó, năm 2017, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương đã tiến thêm một bước tiến mới trong nghiên cứu khi tiếp tục phát triển nghiên cứu chuyên sâu kết hợp thêm xoa bóp bấm huyệt cùng với dán nhĩ áp loa tai để đạt hiệu quả cao hơn nữa.

Đề tài “Nghiên cứu lâm sàng trong hỗ trợ cai nghiện thuốc lá bằng phương pháp nhĩ châm kết hợp xoa bóp bấm huyệt” bước đầu đánh giá tác dụng của bài thuốc Nam trong hỗ trợ  điều trị cai thuốc lá kết hợp tư vấn cai nghiện thuốc lá. Bệnh nhân dùng phương pháp YHCT giảm được các triệu chứng cai nghiện, giảm được tỷ lệ mất ngủ, giảm tỷ lệ bồn chồn bứt rứt, giảm ho, giảm đắng miệng…

Đề tài “Đánh giá tác dụng của viên ngậm CTL kết hợp tư vấn trong điều trị cai nghiện thuốc lá” được đánh giá là nghiên cứu độc tính cấp và bán trường diễn của viên cai thuốc là CTL đồng thời đánh giá tác dụng của viên ngậm CTL kết hợp tư vấn trong điều trị cai thuốc lá. Đánh giá tình trạng cải thiện một số chỉ số sinh học và thói quen hút thuốc sau cai và khảo sát tác dụng không mong muốn của viên thuốc CTL.

2 đề tài nghiên cứu được thông qua với nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên trong hội đồng. Đó chính là nền tảng để Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tiếp tục có những đề tài nghiên cứu mới trong điều trị và cai nghiện thuốc lá bằng Y học cổ truyền.

MỚI - NÓNG