Hồ nước gần 3 tỷ năm có thể chứa sự sống ngoài hành tinh

Các nhà khoa học nghiên cứu mẫu nước trong hồ 2,64 tỷ năm tuổi ở Canada. Ảnh: Nature World News.
Các nhà khoa học nghiên cứu mẫu nước trong hồ 2,64 tỷ năm tuổi ở Canada. Ảnh: Nature World News.
Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về sự sống ngoài hành tinh trong hồ nước cổ nhất thế giới nằm sâu dưới mặt đất phía bắc Ontario, Canada.

Dạng sống vi sinh vật trong hồ nước nằm ở độ sâu 2,4 km bên trong mỏ Kidd phía bắc Ontario, Canada, hoàn toàn khác xa dạng sống trên mặt đất, theo nghiên cứu công bố hôm 27/10 trên tạp chí Nature Communications. Hồ nước được phát hiện vào năm 2013 và ước tính tách khỏi mặt đất cách đây 2,64 tỷ năm, gần bằng một nửa tuổi thọ Trái Đất.

Nhóm nghiên cứu ở Đại học Toronto, Canada, chỉ ra nước trong hồ có hệ thống tự hỗ trợ sự sống, nghĩa là có sự sống ngoại lai tiến hóa dưới nước, cách ly với sự sống trên mặt đất, không tiếp xúc với ánh nắng hoặc oxy trong khí quyển suốt hàng tỷ năm. Họ cũng thấy bằng chứng gián tiếp của dạng sống vi sinh vật chưa thể xác định rõ. Nhiều khả năng quần thể vi khuẩn tiến hóa song song với sự sống trên bề mặt. Điều tương tự có thể xảy ra trên sao Hỏa.

Giới nghiên cứu từng phát hiện vi khuẩn sống trong môi trường nước giống như vậy chảy qua khe đá cổ đại dưới mặt đất ở Nam Phi. Nhưng hồ nước ở Canada bị tách biệt với mặt đất trong thời gian lâu hơn gấp 10 lần, đủ để những dạng sống kỳ lạ tiến hóa.

Nhiều sự sống trên Trái Đất lấy năng lượng từ phản ứng hóa học đẩy electron từ chỗ này sang chỗ kia. Nhưng một số loại vi khuẩn đã tiến hóa theo hướng khác. Chúng dùng khí hydro như một nguồn electron và một dạng lưu huỳnh hòa tan gọi là sulphate trở thành điểm đến của electron.

Các nhà nghiên cứu biết trong hồ nước cổ đại tại Canada chứa nhiều hydrogen và nghiên cứu mới cho thấy lượng sulphate trong hồ đủ để duy trì sự sống. Chất sulphur tồn tại trong khoáng chất pyrite ở lớp đá xung quanh và bị vỡ do phóng xạ tự nhiên của đá và hòa tan trong nước. Theo kết quả đo của nhóm nghiên cứu, sự sống bắt đầu tồn tại kể từ khi hồ nước bị cách ly, tạo thành một môi trường sống lâu dài.

Nhóm nghiên cứu tính toán lượng sulphate trong hồ thấp hơn từ 100 đến 1.000 lần so với nước sinh hoạt, chứng tỏ vi sinh vật tiến hóa thấp đã tồn tại trong nước và dùng hết sulphite, theo Long Li, nhà khoa học ở Đại học Alberta cho biết. Phát hiện có ý nghĩa quan trọng trong việc giúp nhà khoa học xác định hướng tìm kiếm các dạng sống trên Trái Đất và những hành tinh khác.

"Vì địa chất Trái Đất cổ đại giống với sao Hỏa hiện nay, chúng tôi cần xem xét lâu dài những khoáng chất trong nước hiện nay nằm sâu vài km dưới mặt đất, chúng có thể sản sinh ra nguồn năng lượng cần thiết cho vi khuẩn", Li nói. "Tôi không dám khẳng định vi khuẩn tồn tại nhưng hồ nước có những điều kiện cần thiết cho sự sống trên sao Hỏa".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG