'Họ không vừa lòng với thế giới'

Arthur Rimbaud: “Thông minh, tới mức khó ngờ, nhưng có ánh mắt tôi không thích…”.
Arthur Rimbaud: “Thông minh, tới mức khó ngờ, nhưng có ánh mắt tôi không thích…”.
TP - “Họ không vừa lòng với thế giới. Họ đã làm cách mạng thế giới hoặc định làm điều đó”, các tác giả Pháp Francis Mizo, Anna Blanchard và Serge Bloch có lời giới thiệu khá lạ cho cuốn sách Bách khoa thư những người cứng đầu, kẻ phản kháng, nhà cách mạng (NXB Kim Đồng).

> 'Nghịch lý trên dòng sông chảy ngược'

Người ta (một vài tổ chức quốc tế) đo chỉ số hạnh phúc bằng độ hài lòng với cuộc sống. Tức là đồng nhất “hài lòng” với “hạnh phúc”. Hình như họ đã nhầm.

Đơn giản bởi, nhờ “không hài lòng” mà nhiều người đã sống một cuộc đời rực rỡ hơn phần lớn chúng ta. Họ phản kháng, và tôi thấy họ hạnh phúc. Bởi hạnh phúc là có gì đó để yêu và tranh đấu.

Là nô lệ, họ nói không với những tên bạo chúa và những kẻ áp bức. Là nhà tư tưởng hay nhà văn, họ chống lại những bất công. Là nhà khoa học hay nghệ sĩ, họ tra vấn các nguyên lý, đẩy ra xa các giới hạn”.

“Những kẻ cứng đầu”, gồm các vĩ nhân như Che Guevara, Beethoven, Galilée, Marie Curie, Arthur Rimbaud, Isaac Newton, Sigmond Freud… đã sống như thế. Chẳng dễ dàng gì. Họ đau những nỗi đau lớn hơn chúng ta.

Nhưng cũng hạnh phúc hơn.

Dù, cuộc đời của “những kẻ cứng đầu” này thê thảm hơn phần lớn chúng ta (Léon Trotski, Martin Luther King, Gandhi bị ám sát; Che Guevara bị xử bắn; Galilée bị quản thúc suốt những năm cuối đời, Rimbaud chết vì ung thư ở tuổi 37).

Nhưng họ đẩy nhân loại tiến lên. Vì thế, người ta (lần này thì không chỉ là một vài tổ chức quốc tế nào đó) nhớ đến họ.

Không phải bao giờ họ cũng đúng, hẳn rồi. Nhưng, “phần lớn trong số họ đã mở mắt cho người khác”.

Để làm được điều đó, trước hết mắt họ phải sáng rõ. Đó là may mắn không phải ai cũng có được. Vì một số chúng ta sống với đôi mắt hàng ngày vẫn mở, nhưng chẳng nhìn thấy gì cả.

Thật khó khi viết về các vĩ nhân, kể cả những người mà-ai-cũng-biết lẫn những người chưa-mấy-ai-biết. Về mỗi nhân vật, các tác giả cuốn Bách khoa thư này để lại một số câu khóa.

Chẳng hạn, nhà thơ Pháp Arthur Rimbaud qua nhận xét của thầy hiệu trưởng: “Thông minh, tới mức khó ngờ, nhưng có ánh mắt tôi không thích… Đó sẽ là thiên tài của điều ác hoặc điều thiện”.

Hoặc về nhà đấu tranh xã hội Louise Michel (Pháp): “Bà khiến đàn ông quay mặt đi vì quá xấu xí”.

Bà nói: “Tôi đi bắn nhau cùng những người đàn ông, thỉnh thoảng họ còn không nhận ra tôi là phụ nữ - và tôi cũng phải nói sự thật rằng tôi có uy lực đối với họ”.

Còn Beethoven nhà soạn nhạc thiên tài người Đức, từng nói với một hoàng thân giàu có - người bảo trợ cho ông: “Địa vị của ngài có được là bởi sự tình cờ của việc sinh ra, còn địa vị của tôi có được bởi chính bản thân tôi. Hoàng thân quốc thích thì đã có và sẽ có hàng nghìn, nhưng chỉ có một Beethoven mà thôi”.

Nhà văn George Sand (Pháp), người phụ nữ tự đặt tên đàn ông (George) cho mình, kể về mình qua giọng văn của các tác giả: “Thời này phụ nữ không có quyền cả được đi học lẫn được sống, những thứ họ mơ ước, trừ khi họ giàu. Thật đúng lúc, vì giàu thì tôi có giàu! Tất cả những gì người ta cấm phụ nữ, tôi đều say mê lao vào. Tôi sưu tầm những người tình trẻ hơn tôi (toàn là những người hay ho cả): Nhà văn Afred de Musset, nhà soạn nhạc Frédéric Chopin!”.

Nhà hóa học Marie Curie (Pháp gốc Ba Lan), vẫn qua lời kể tự sự giả định: “Tôi là phụ nữ đầu tiên được chôn cất trong điện Panthéon và quan tài của tôi nặng hơn nhiều so với những vĩ nhân hàng xóm. Đơn giản vì nó được bọc chì: Biện pháp bảo vệ vì cơ thể tôi bị nhiễm xạ và cũng phát xạ”.

Về Curie, tiếc là người ta không nói về việc bà đem lòng yêu một người đàn ông đã có vợ, tên là Paul Langevin, sau khi người chồng Pierre qua đời.

Chính bà cũng từng lên tiếng bảo vệ mối tình này: “Giải thưởng (Nobel) được trao cho phát minh radium và polonium. Tôi tin rằng không có sự liên quan giữa cuộc sống riêng của tôi và việc nghiên cứu khoa học”.

Đó là một biểu hiện “cứng đầu” rất rõ ở người phụ nữ vĩ đại này, đồng thời cũng đậm chất đàn bà hơn. Nhưng có vẻ đó là một thông tin không chính thống chăng, và các tác giả cuốn Bách khoa thư đã bỏ qua.

Những kẻ cứng đầu, trước họ chúng ta thấy mình thật vụn vặt, nhưng đồng thời lại được cổ vũ. Trái khoáy, nhưng là sự thật. Chúng ta sợ họ nhưng cũng yêu họ, trên hết loài người cần có họ.

“Khi quá tin và nghe theo sự thôi thúc, ta luôn luôn vấp phải một nguy cơ. Đó là nguy cơ nhầm lẫn. Nhưng liệu thế giới này có thể đi lên theo cách khác được hay không?”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG