Hồ Ðồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đang bị một số đơn vị, cá nhân san lấp xẻ thịt
Hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có diện tích khoảng 1.300ha vừa là địa điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở Hà Nội, đồng thời cũng là hồ có dung tích lớn hơn 61 triệu m3, phục vụ tưới tiêu 10.000ha đất nông nghiệp cho khu vực phía Tây Hà Nội.
Nằm ở vị trí đắc địa nên hồ Đồng Mô đang bị nhiều khu du lịch “xà xẻo” trong thời gian gần đây. Cụ thể, 2 chủ đầu tư thi công dự án Resort Spa Cây Bồ Đề và dự án Khu du lịch sinh thái Resort G9 đã san gạt đất xuống hồ nhằm biến diện tích hồ thành khuôn viên dự án. Những khoảnh đất vàng vừa san gạt đang được trồng cây để tạo cảnh quan. Được biết, chủ đầu tư khu Resort G9 này là Cty CP Đầu tư xây dựng Đông Sơn, đơn vị sở hữu biệt thự Phan Thị khá nổi tiếng.
Đối với Resort Spa Cây Bồ Đề (diện tích 3,9 ha) do bà Lê Thị Thu Hiền (Chủ tịch HĐQT Cty CP Thương mại Đồng Mô) làm chủ đầu tư. Trong quá trình thi công đã san gạt một phần đồi Mơ làm mặt bằng, đổ nhiều mét khối đất nhằm san lấp hồ.
Đầu tháng 6/2019, Ban quản lý Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam cũng có công văn về việc san lấp, lấn chiếm trái phép lòng hồ Đồng Mô. Trong đó nêu rõ: “Resort biệt thự Phan Thị tự ý dùng phương tiện máy xúc, ô tô san lấp, lấn chiếm trái phép mặt hồ Đồng Mô”; Ngoài ra, diện tích mặt hồ Đồng Mô khu vực đồi Đồng Đầm (xã Sơn Đồng, Sơn Tây), Cty CP Đồng Mô đang cho phương tiện san lấp đất, trồng cây xanh. Đây là khu vực phía dưới khu biệt thự ven hồ, thuộc lòng hồ Đồng Mô.
Chồng chéo trong quản lý hồ
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải khẳng định: “Việc để các dự án san lấp lòng hồ Đồng Mô là thiếu sót của Cty TNHH MTV Thủy lợi sông Tích”. Trong vụ việc này, 2 dự án đều có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dự án được phê duyệt, được cấp phép xây dựng nên cán bộ Cty chủ quan thiếu kiểm tra.
Theo ông Khải, về nguyên tắc công trình thủy lợi phải cắm mốc chỉ giới nhưng trên địa bàn Hà Nội chưa có hồ nào được cắm mốc vì thiếu kinh phí. Trong khi đó, quy định về cấp phép xây dựng không bắt buộc phải xin ý kiến các đơn vị liên quan. Ở đây, đất dự án cũng không thuộc hành lang công trình thủy lợi nên Cty không biết để kiểm tra.
Lãnh đạo Chi cục cho rằng, hồ Đồng Mô hiện đang bị chồng chéo quản lý, trong khi UBND thành phố Hà Nội có quyết định giao Cty Sông Tích quản lý hồ thì Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam cũng có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao gần như toàn bộ hồ Đồng Mô.
Trong khi đó, đại diện Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam nêu: “Do dự án vẫn chưa hoàn thiện, đang vừa đầu tư vừa khai thác nên vẫn dành diện tích mặt hồ cùng Cty Sông Tích quản lý phục vụ tưới tiêu cho bà con nông dân”.
Tuy nhên, đơn vị này cũng nêu khó khăn vì thiếu phương tiện, con người để quản lý được hồ Đồng Mô, đặc biệt là việc lấn chiếm đất của người dân, dự án quanh hồ. Ngay cả việc cắm mốc giới hồ Ban quản lý đã từng làm nhưng đến nay đã bị mất gần hết. Hiện nay theo Luật Quy hoạch việc quản lý mốc giới hồ do UBND xã, huyện thực hiện, do đó phải chờ địa phương làm việc này.
Đại diện chính quyền địa phương cho biết thêm, Cty Xây dựng Đông Sơn (chủ đầu tư resort G9) đã đổ 400m3 đất lấp hồ Đồng Mô; hộ cá nhân bà Lê Thị Thu Hiền (đại diện cho doanh nghiệp làm dự án resort Spa Cây Bồ Đề) đã đổ 350m3 đất lấp hồ Đồng Mô.