Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ 5h ngày 2/11, mực nước hồ Tuyên Quang đã đạt mực nước dâng bình thường và đang tăng chậm. Đến 7h ngày 4/11, mực nước hồ ở mức 120,24m (trên mực nước dâng bình thường 24cm), lưu lượng về 540 m3/s, lưu lượng xả 538 m3/s.
Trước tình hình trên, ông Trần Quang Hoài - Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai vừa ký công điện lệnh Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang mở tiếp 1 cửa xả sâu điều tiết lũ (tổng 2 cửa xả) để đảm bảo mực nước theo đúng quy định (không vượt mức nước dâng bình thường là 120m). Thời gian bắt đầu vận hành từ 14h chiều nay. Trước đó, ngày 3/11, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã yêu cầu thủy điện này mở 1 cửa xả điều tiết lũ.
Thủy điện Tuyên Quang bắt đầu tăng điều tiết lũ vào sáng 4/11 |
Trao đổi với Tiền Phong, ông Dương Thanh Tuyên - Giám đốc Thủy điện Tuyên Quang cho rằng, việc yêu cầu thủy điện mở 2 cửa xả chỉ là trên lý thuyết. Còn thực hiện phải dựa trên tình hình thực tế.
Theo ông Tuyên, quy trình lượng nước ở hồ thủy điện Tuyên Quang được điều chỉnh không vượt quá 120m so với mực nước dâng bình thường. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật công trình phải là 122.5m.
Trong ngày hôm qua (3/11), thủy điện Tuyên Quang đã mở 1 cửa xả 400 m3/s. Nếu mở thêm cửa thứ 2 với công suất là 660m3/s, tổng lưu lượng nước xả sẽ hơn 1.000m3/s, trong khi lưu lượng nước về chỉ bằng một nửa thì không ổn. Hiện thủy điện chỉ điều chỉnh xả từ 400m3/s lên khoảng 550-600 m3/s, và duy trì ở mực nước quanh ngưỡng 120m.
Giám đốc Thủy điện Tuyên Quang cho biết, hiện hồ Tuyên Quang đang thiếu nước. Nếu mực nước giờ xả sâu quá, cuối năm còn căng thẳng hơn nữa |
Ông Tuyên cho biết, trong bối cảnh nước lũ năm nay về kém hơn nhiều so với mọi năm, lượng nước hồ chứa thủy điện Tuyên Quang hiện mới chỉ khoảng 70% dung tích (tương đương 850 triệu m3 nước). Trong khi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao cho thủy điện chỉ tiêu 1,1-1,2 tỷ m3 đến cuối năm nay. Nếu mực nước giờ xả sâu quá, tình hình cuối năm còn căng thẳng hơn nữa.
“Chúng tôi vừa được yêu cầu phải đảm bảo sản lượng điện, vừa phải duy trì lượng nước đủ cho vụ Đông Xuân. Nhưng đầu năm, do ảnh hưởng COVID-19, các đơn vị không tính sản lượng bao nhiêu hợp lý. Nay lũ về gặp đúng lúc thủy điện có một máy đang phải sửa, giờ phải xả đột ngột, không tận dụng được nước lũ thì quá tiếc. Còn nếu xả quá sâu, đến ngày 31/12, lưu lượng nước bị hụt nhiều, không có nước điều tiết vụ Đông Xuân cho người dân thì cũng gay go”, ông Tuyên nói.
Về việc vì sao các hồ thủy điện phía Bắc hiện đều ở dưới ngưỡng mực nước dâng bình thường, nhưng thủy điện Tuyên Quang lại vượt mức, ông Tuyên cho biết, thủy điện Tuyên Quang đón dòng chảy từ sông Nho Quế (Hà Giang) và sông Gâm (Cao Bằng).
"Lượng nước về đột ngột khiến chúng ta bị động. Trước mắt, chúng tôi xả theo yêu cầu của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai để đảm bảo an toàn. Thời gian tới, Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần xem lại quy trình phối hợp giữa hai bên về vấn đề này”, ông Tuyên cho hay.