40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17/2/1979 - 17/2/2019)

Họ đã sống và chiến đấu như thế

TP - Họ là những người đã đi qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc với những vai trò khác nhau: Người cầm súng ra trận, người là sinh viên cố gắng chở che người thân trong cơn hoạn nạn hoặc chỉ là một thiếu niên theo cha mẹ đi sơ tán… Bom đạn đã lùi xa 40 năm nhưng hồi ức vẫn sống trong họ như mới vừa hôm qua.

Những người lính năm xưa

Họ đã sống và chiến đấu như thế ảnh 1 Người lính già Nguyễn Việt Cường hôm nay

Nhà văn nổi tiếng tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, 1979 chính là Cao Duy Sơn (tên thật Nguyễn Cao Sơn, sinh năm 1956, tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Anh kể: “Hồi đó, tôi đang là lính ở trung đoàn 123, đây là trung đoàn trực tiếp chiến đấu tại Lộc Bình, Lạng Sơn năm 1979”. Ngày 17 tháng 2 năm 1979 đi vào lịch sử như một dấu mốc song theo nhà văn Cao Duy Sơn, “ngay từ ngày 15 tháng 2, bắt đầu đã có những cuộc pháo kích”.

Trận chiến quyết liệt nhất trong hồi ức của nhà văn diễn ra vào ngày 27 tháng 2: “Chúng tôi chỉ có một trung đoàn mà địch kẹp 4 sư đoàn cũng không đánh thủng ngay được. Địch đánh vận động tấn công còn chúng tôi chốt phòng ngự. Bên tấn công đương nhiên thiệt hại nhiều hơn. Nhưng càng dần cuộc chiến càng ác liệt, bên ta súng ống, đạn dược không đủ, lực lượng chênh rất nhiều nhưng cũng cầm cự được từ ngày 17 đến ngày 27, địch mới chọc thủng được phòng tuyến của chúng tôi. Nhưng chúng tôi không rút mà kéo lên núi Mẫu Sơn, lại cài răng lược, lại tập kích, lại đánh”. Theo quan sát của nhà văn Cao Duy Sơn, ở Lạng Sơn khoảng mồng 7, mồng 8 tháng 3 năm 1979 quân Trung Quốc đã bắt đầu rút.

Họ đã sống và chiến đấu như thế ảnh 2 Chị Lưu Thị Thanh Huyền, Giám đốc Bưu điện tỉnh Cao Bằng

Đồng quan điểm với nhà văn Cao Duy Sơn, người lính già Nguyễn Việt Cường, ở Cao Bằng xác nhận: Chúng ta chiến đấu trong sự ngoan cường. Thiếu úy Nguyễn Việt Cường khi ấy đã có 9 năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Tháng 11 năm 1978 ông được điều động trở lại quê hương Cao Bằng.

Tháng 2 năm 1979, ông tiếp tục cầm súng bảo vệ quê hương với vai trò đại đội trưởng, đại đội 3, tiểu đoàn 20, thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Cao Bằng: “Lúc ấy, tôi tranh thủ về nhà ăn cơm trưa, vì đơn vị cách nhà khoảng gần 2 cây số thôi. Đang ăn cơm với gia đình, có anh liên lạc sang gọi, tôi vội vã đi nhận nhiệm vụ ở tiểu đoàn 20. Chúng tôi hành quân xuống Thạch An (một huyện của tỉnh Cao Bằng-PV), vừa đi vừa tranh thủ huấn luyện đồng đội trẻ bắn B40, B41. Đến đèo Khau Khoang (thuộc huyện Thạch An- PV) một trung đội cắm lại đó, còn một trung đội theo tôi đi xuống Ngườm Kim (Thạch An, Cao Bằng). Đơn vị đang nghỉ ngơi, vài anh em xuống khe suối lấy nước nấu cơm thì chúng tôi gặp anh tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn dã chiến đi qua Ngườm Kim. Hỏi chuyện anh, chúng tôi mới biết xe tăng địch đã ở dưới kia.

Họ đã sống và chiến đấu như thế ảnh 3 Thiếu úy Nguyễn Việt Cường, ảnh chụp năm 1979, tại xã Tổng Cọt, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng

Cuộc trò chuyện vừa dứt, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn dã chiến vừa đi khỏi chưa đầy 15 phút đã thấy xe tăng của Trung Quốc đến Ngườm Kim. Chúng tôi diệt được 6 xe tăng và lính của địch, lúc đó vào khoảng 8 giờ tối, đêm 17. Chúng tôi chiến đấu một đêm đến 10 giờ trưa hôm sau, đơn vị hết đạn, chúng tôi rút lên đỉnh núi, cách đường quốc lộ 4 vài trăm mét. Chúng tôi chia thành hai tốp, mỗi tốp đi một ngả, hẹn gặp nhau ở bản Nà Luông, xã Thái Cường (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng- PV), lại đánh một trận nữa, diệt được 4 xe tải và binh lính.

Nỗi đau còn sâu trong ký ức

Họ đã sống và chiến đấu như thế ảnh 4 Bác sỹ, nhà văn Đoàn Lư

Trong khi những người lính cầm súng ra trận chiến đấu, những người thân của họ ở lại cũng gian nan, vất vả trăm bề. Bác sỹ, nhà văn Đoàn Lư nhớ lại: “Khi ấy tôi đang là sinh viên Đại học Y. Tôi ở Thái Nguyên đứng ngồi không yên trông chờ tin tức từ quê nhà. Đó là những dấu ấn khủng khiếp trong cuộc đời tôi. Nhà cửa của chúng tôi bị đốt sạch, bố mẹ tôi khi đó đã già vẫn phải đi bộ từ Cao Bằng đến Bắc Kạn mới có xe để đi đến Thái Nguyên. Cậu em trai của tôi đang học lớp 10 cũng phải bỏ dở học hành, xuống Thái Nguyên, bạn bè tôi ở Đại học Y còn đi hái trộm rau lang cho nó ăn”. Nhưng sự khó khăn, khốn đốn không chỉ riêng gia đình anh chịu: “Làng của tôi là làng Đề Thám (nay thuộc thành phố Cao Bằng- PV) to lắm, có hàng trăm nóc nhà, nhưng địch đốt sạch không còn sót nhà nào cả. Chúng tôi trở về phải làm lại từ đầu. Nhưng chưa khốc liệt bằng làng bên, làng Khau Mắng, cách làng tôi một con sông. Cả thị xã Cao Bằng (nay là thành phố Cao Bằng- PV) lúc ấy, từ cái cống nhỏ cũng bị địch dùng bộc phá đánh sập hết. Những chiếc cầu bắc ngang sông cũng bị phá hủy, từ cầu Gia Cung đến cầu Sông Hiến… Tan hoang hết”.

Chị Lưu Thị Thanh Huyền, Giám đốc Bưu điện tỉnh Cao Bằng, năm 1979, mới 11 tuổi, theo cha mẹ đi sơ tán: “Chúng tôi toàn đi theo đường đồi, có những lúc phải nấp vì quân Trung Quốc rất đông, phải nằm im chờ địch đi qua, không dám động đậy. Trên đường đi sơ tán, tôi thấy một quả đạn B40. Dù lúc đó còn nhỏ nhưng tôi nghĩ khi đánh giặc, đạn rất cần, nên cố mang quả đạn B40 đi. Đến khu Canh Tân Minh Khai (huyện Thạch An, Cao Bằng-PV), gặp các chú bộ đội tôi mới giao quả đạn cho các chú. Gia đình chúng tôi đi bộ ròng rã từ Nà Tòong (nay thuộc thành phố Cao Bằng- PV) đến huyện Ngân Sơn (nay thuộc tỉnh Bắc Kạn) mới có ô tô để chạy tiếp”. Gia đình chị Lưu Thanh Huyền có một người chết trong chiến tranh biên giới, đó là bà ngoại của chị, khi đó bà đã 79 tuổi.

Họ đã sống và chiến đấu như thế ảnh 5 Nhà văn Cao Duy Sơn: Cuộc chiến đã xảy ra, máu xương đã đổ, phải nhắc để người đời sau nhớ

Sau những ngày sơ tán, trở về quê hương, chị Huyền trông thấy xác người, của cả bên ta và bên địch, còn ngổn ngang dọc bờ sông Bằng, đó đây vẫn còn những đám cháy. Bác sỹ Đoàn Lư xác nhận: Có không ít em bé sinh năm 1979 chào đời trong hang, trên đường mẹ cha đi sơ tán. Có những em bé đã mất trong cuộc chiến nhưng có những em bé đã đi qua cuộc chiến và lớn lên, có người sau này còn nổi tiếng trong cộng đồng dân tộc thiểu số vùng cao.

Là máu xương của đồng bào ta đó

Cao Duy Sơn có lẽ là nhà văn duy nhất viết trực diện về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, trong một tiểu thuyết mang tên “Chòm ba nhà”, khoảng 300 trang (NXB Lao Động, 2009). Anh viết ròng rã suốt 3 năm: “Cuộc chiến đã xảy ra, máu xương đã đổ, biết bao nhiêu tàn khốc và dấu vết của nó vẫn còn để lại, thì làm sao tránh không nhắc, phải nhắc cho người đời sau còn nhớ”. Anh nói tiếp: “Muốn hiểu về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, hãy một lần đi lên những vùng đất đó, đến những nghĩa trang, nhìn những ngôi mộ có khi còn chưa biết tên... sẽ thấy sự hy sinh lớn lao đến thế nào, ấy là máu xương của đồng bào ta đó”.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.