HLV Miura giúp Công Phượng thay đổi
Công Phượng của đội U19 Việt Nam năm ngoái, của CLB HA Gia Lai có khác gì so với Công Phượng ở U23 Việt Nam, thưa ông?
Theo tôi, đấy là một Công Phượng hiệu quả hơn, hiện đại hơn, chơi đa dạng hơn. Công Phượng ở đội U23 Việt Nam đã sửa được khá nhiều hạn chế của chính cầu thủ này khi còn khoác áo U19 Việt Nam năm ngoái. Khác biệt đáng kể nhất chính là bây giờ Công Phượng biết cách chỗ nào cần đá đơn giản và nơi nào có thể phô diễn kỹ thuật.
Cụ thể là gì, thưa ông?
Bên ngoài khu vực 16m50 của đối phương, Công Phượng đã biết nhìn đồng đội mà đá, biết phối hợp để vừa đỡ tốn sức, vừa tạo nhiều phương án tiếp cận khung thành đối phương hơn. Riêng trong khu vực 16m50, có thể ông Miura cho phép Công Phượng thả sức sáng tạo bằng các pha đi bóng và đảo người của mình, bởi đấy là khu vực mà đối phương rất ít dám đá rát.
Tôi cho rằng đây là sự thay đổi về mặt tư duy chơi bóng rất lớn của Công Phượng, và HLV Miura đã sửa thành công lỗi về mặt tư duy cho cầu thủ đang khoác áo HA Gia Lai.
Còn gương mặt nào khác trong lứa U19 năm ngoái, mà ông thấy tiến bộ rõ rệt?
Ông Miura nói với tôi rằng ông ấy thích Văn Toàn, vì Toàn là cầu thủ có những pha chạy chỗ rất thông minh, di chuyển chiến thuật rất tốt. Tuy nhiên, cũng theo ông Miura thì Văn Toàn có bất lợi rất lớn là thể hình nhỏ, trong khi vị trí trung phong mà Văn Toàn đang chơi đòi hỏi về mặt thể hình và khả năng va chạm.
Có nghĩa là U23 Việt Nam cần bổ sung trung phong có thể hình tốt ở SEA Games 28 tới đây?
Bổ sung những ai thì đấy là việc mà HLV Miura rõ nhất. Số này có thể là nhóm cầu thủ sinh năm 1992, từng tham gia đội tuyển Olympic dự Asiad năm rồi và đội tuyển quốc gia dự AFF Cup 2014. Chúng ta cứ nhìn vào cách tuyển chọn nhân sự của bóng đá Nhật, của các đội tuyển Nhật Bản thì có thể phần nào đoán ra cách chọn nhân sự của HL Miura trong thời gian tới.
Người Nhật đánh giá rất cao chất kỹ thuật, họ cũng thuộc vào loại giỏi kỹ thuật nhất châu Á. Nhưng ngay cả khi có kỹ thuật cao thì bóng đá Nhật vẫn còn có dạng cầu thủ mạnh mẽ, có thể hình tốt để giải quyết vấn đề tranh chấp tay đôi, khả năng không chiến. Ví dụ như các vị trí trung phong, các trung vệ hoặc những cầu thủ đá thiên về phòng ngự, thường xuyên phải va chạm với đối phương.
Không mới, nhưng lạ với một số người
Ông là một trong những người đã ủng hộ phương pháp huấn luyện của HLV Miura ngay từ đầu, nhất là phương pháp huấn luyện thể lực, do đâu mà ông biết rằng đấy là phương pháp đúng?
Vì thật ra trong quá trình tôi học ở Brazil, rồi sau đó làm việc với HLV Tavares cách nay những 20 năm, tôi đã được trải nghiệm thực tế với phương pháp đấy rồi. Đấy là phương pháp không mới, bóng đá thế giới người ta áp dụng hàng ngày, nhưng có lẽ một số người vì ít được tiếp cận với nó nên thấy lạ, rồi phản ứng.
20 năm trước, HLV Tavares cũng đã từng giúp cho đội tuyển Việt Nam khi đó tiến bộ thần kỳ về mặt thể lực?
Hồi đó là năm 1994, cũng có một số người khi đó nói tôi (thời đó ông Dương Vũ Lâm là trợ lý HLV của đội tuyển Việt Nam - PV) khuyên Tavares bỏ phương pháp huấn luyện thể lực quá nặng đi. Nhưng sau đó tôi gặp riêng một số cầu thủ trẻ khi đó là Huỳnh Đức, Minh Chiến,… họ nói họ chịu được, nên cứ ủng hộ HLV Tavares.
So với cách nhồi thể lực của các đội bóng Việt Nam khi đó, ông Tavares cho cầu thủ tập nặng hơn nhiều. Nhưng khi vượt qua đợt rèn thể lực rồi thì cầu thủ của ta dẻo dai hơn thấy rõ, giống hệt cách làm của HLV Miura bây giờ.
Còn về phương pháp huấn luyện kỹ - chiến thuật của HLV Miura thì sao, thưa ông?
HLV Miura làm gì đều có lộ trình hẳn hoi. Ông ấy chuẩn bị cho những trận đấu chính thức, cho giải đấu chính thức từ những trận giao hữu cách đó nhiều tuần lễ, không chỉ chuẩn bị về mặt con người, mà còn chuẩn bị sẵn về mặt lối chơi.
Phải thẳng thắn với nhau rằng lực lượng của chúng ta trước khi đá giải này đâu phải là lực lượng tốt, chúng ta đâu thuộc hàng đội mạnh, ngay cả khi so với Malaysia. Thế nên, chưa chắc HLV khác đã làm được những điều như HLV Miura vừa làm, nếu họ thay ông ấy nắm đội U23 Việt Nam!
Xin cảm ơn ông!