Hiệu trưởng tranh cãi về việc đình chỉ học sinh vi phạm giao thông

Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường Đinh Tiên Hoàng, Hiệu trưởng trường Phan Huy Chú cho rằng đình chỉ học sinh vi phạm giao thông nhiều lần là hợp lý, trong khi một số khác lại khẳng định tước quyền vì lỗi mang tính xã hội sẽ không tác động đến ý thức học trò.

Gây không ít tranh cãi trong cộng đồng học sinh, phụ huynh, văn bản số 932 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định "đình chỉ một tuần với học sinh vi phạm giao thông nhiều lần" tiếp tục thu hút tranh luận từ nhà quản lý giáo dục.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, các hình thức kỷ luật học sinh vi phạm giao thông được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra là rất hợp lý và nên thực hiện. Lý do hiện tượng học sinh chưa đủ tuổi vẫn lái môtô, xe gắn máy, đặc biệt không không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, lạng lách… rất phổ biến.

Hiệu trưởng tranh cãi về việc đình chỉ học sinh vi phạm giao thông ảnh 1

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội đồng giáo dục trường Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội. 

"Trước đây chúng ta vẫn giáo dục an toàn giao thông cho học sinh nhưng chưa đủ yếu tố để răn đe, ngăn chặn. Văn bản của Sở lần này với mức chế tài nâng lên để học sinh phải tự chịu trách nhiệm về hành động của mình chứ không chỉ xin tiền bố mẹ nộp phạt cho cảnh sát rồi đâu lại vào đó", ông Lâm nói.

Đồng tình với suy nghĩ những học sinh bị đình chỉ thường là trẻ hư, TS Lâm cho biết, với nhóm này càng phải có biện pháp mạnh để các em nhận thức được trách nhiệm với hành vi của mình. Việc kỷ luật, hạ hạnh kiểm hay cho lao động công ích trong trường… đã thực hiện mãi, nhưng không có tác dụng. Do đó, biện pháp đình chỉ học dài ngày, gia đình, nhà trường giám sát, sẽ khiến học sinh cảm thấy mình thiệt thòi so với các bạn, từ đó có ý thức tôn trọng luật pháp hơn.

Quy định này của Sở, không chỉ tác động tới học sinh mà còn khiến gia đình nhận thức rõ hơn trách nhiệm giáo dục con cái. "Phụ huynh cứ ở ngoài thì thầy cô giáo chúng tôi giáo dục mãi cũng phải bó tay. Nhà trường đã giáo dục nhiều lần về các sai phạm trong an toàn giao thông mà học sinh vẫn tái diễn đến mức bị đình chỉ học thì gia đình cần xem xét lại. Thời gian con bị nghỉ học, nếu trẻ chơi bời, lêu lổng thì trách nhiệm thuộc về bố mẹ", Chủ tịch trường Đinh Tiên Hoàng phân tích.

Ông Lâm cũng cho rằng, việc đình chỉ một tuần sẽ không ảnh hưởng nhiều đến kết quả học tập của học sinh bởi mỗi môn chỉ mất 1-2 tiết. Thời gian ở nhà đó, cùng với việc thầy cô giao bài tập, học sinh đọc trước bài trong sách giáo khoa thì gia đình, đặc biệt bản thân các em cần có ý thức tự học.

"Không thể thương học sinh mà cái gì cũng lo lắng, không dám phạt nặng, không dám làm. Các hình thức xử phạt của nhà trường cũng là yếu tố giáo dục và ngành giáo dục có quyền đình chỉ học sinh nếu vi phạm giao thông", ông Lâm nói và cho biết, trường mình từng đình chỉ 1-3 ngày học sinh vi phạm và có hiệu quả rõ rệt.

Đồng tình với văn bản của Sở Giáo dục, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, đây là cơ sở pháp lý để các trường giáo dục học sinh thực hiện an toàn giao thông nghiêm minh hơn. Thực tế nhiều năm áp dụng các hình thức giáo dục về an toàn giao thông, khá tương đồng với văn bản của Sở, bà Nhiếp nhận thấy có sự tiến bộ rõ rệt trong ý thức của học trò. 

Hiệu trưởng tranh cãi về việc đình chỉ học sinh vi phạm giao thông ảnh 2

Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Nguyễn Thị Nhiếp.

Theo Hiệu trưởng này, việc tuyên truyền, giáo dục và thực hiện thường xuyên, nghiêm túc các quy định về xử lý vi phạm an toàn giao thông, sẽ giúp các em tránh được sai phạm. Dù vậy, nhà quản lý vẫn thừa nhận tồn tại một số trường hợp không nghe lời, phụ huynh vừa ký cam kết với nhà trường xong, ra khỏi phòng đã quay sang mắng con tại sao để thầy cô phát hiện, thậm chí trao xe máy cho con chở mình về nhà.

"Giáo dục học sinh ở tuổi này rất khó, cần sự vào cuộc của cả gia đình, xã hội và có những chế tài cụ thể, nghiêm khắc. Trường tôi có hơn 1.000 học sinh, để giáo dục tốt cho số đông đôi khi thầy cô phải xử phạt nghiêm minh những em coi thường kỷ luật", Hiệu trưởng trường Phan Huy Chú nói.

Trước ý kiến hình phạt sẽ ảnh hưởng đến học tập, bà Nhiếp cho rằng, quan trọng là để đảm bảo an toàn của học sinh và tính mạng con người. Đây cũng là điều kiện đầu tiên để các nhà trường hoàn thành sứ mệnh giáo dục, cùng xã hội giảm tải tai nạn giao thông. Hiệu trưởng Nhiếp đề xuất, cần thực hiện văn bản của Sở thường xuyên. Việc chỉ làm theo đợt, theo kỳ sẽ khó có hiệu quả lâu dài.

Trái với quan điểm trên, một hiệu trưởng khác lại cho rằng đình chỉ học vì vi phạm giao thông là vô lý, không tác động được đến học trò, thậm chí còn khiến những trò hư thích thú. "Nếu mang hạnh kiểm ra xử lý thì người dân cả nước Việt Nam đều sẽ bị hạnh kiểm yếu. Việc tước đi quyền học của trẻ vì lỗi mang tính xã hội như thế là vô lý", hiệu trưởng này phân tích.

Nhà quản lý giáo dục cho rằng, học sinh vi phạm giao thông đã có công an xử phạt. Việc của các nhà trường là phải đặt giáo dục lên hàng đầu mà giáo dục không phải là biện pháp trừng phạt. Mặt khác, điều quan trọng nhất trong giáo dục là dạy cho học sinh những điều tốt. "Vậy ai sẽ dạy trẻ nếu chúng ở nhà một tuần?", hiệu trưởng đặt câu hỏi và nhấn mạnh, không nên đình chỉ học ở trường. Thay vào đó, ông đề xuất, mỗi trường có một phòng riêng để học sinh vi phạm ngồi tĩnh lặng suy nghĩ về sai lầm của mình và những hậu quả có thể gây ra cho bản thân, người khác. Nếu có clip về thực tế đau lòng của những tai nạn giao thông trình chiếu cho các em trong thời gian tự suy ngẫm này sẽ rất tốt. Học sinh khi ngồi một mình trong phòng kín lâu sẽ thấy chán và hiểu ra nếu muốn được trở lại vui chơi thì bản thân phải thay đổi.

Hiệu trưởng tranh cãi về việc đình chỉ học sinh vi phạm giao thông ảnh 3

Các nhà quản lý giáo dục đều chỉ ra thực trạng học vi phạm giao thông còn nhiều, nhất là việc không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên môtô, xe gắn máy, xe đạp điện, vượt đèn đỏ, lạng lách... Ảnh minh hoạ: Giang Huy. 

Việc đuổi học một tuần, theo ông sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới trước hết là phụ huynh có thể ở nhà canh chừng con trong thời gian lâu. Mặt khác, những học sinh bị kỷ luật ở mức đình chỉ học thường là trẻ hư, bố mẹ, thầy cô không dạy được thì nhờ người khác quản lý lại càng khó. "Nếu tuần bị đình chỉ đó học sinh làm việc gì gây hậu quả nghiêm trọng thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Gia đình và nhà trường có lỗi gì ở đây?", hiệu trưởng đặt câu hỏi.

Nhà quản lý giáo dục này tâm sự rằng, vì quy định trên thuộc văn bản nhà nước nên trường ông buộc phải tuân theo. Dù vậy, ông vẫn mong có Sở Giáo dục có sự điều chỉnh cho hợp lý, đồng thời xem các quy định đưa ra đã đúng luật chưa.

Đồng tình với chủ trương của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, nhưng Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức Nguyễn Quốc Bình cho biết, riêng hình thức kỷ luật, nhà trường sẽ chia nhỏ các mức độ và vận dụng cho hợp lý. Trường thiên về biện pháp phạt học sinh lao động công ích hơn. "Chắc hiếm lắm và phải là trường hợp thật cá biệt học sinh mới bị đình chỉ học tập", ông Bình nói.

Ngày 7/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra văn bản số 932 về việc tổ chức phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong ngành giáo dục giai đoạn 2016-2020.

Văn bản yêu cầu: 100% cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên trong các cơ sở giáo dục và đơn vị trường học được quán triệt quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ký cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc các quy định này. Phụ huynh học sinh cũng phải ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho con khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.

Các nhà trường để xảy ra tình trạng cán bộ, viên chức, nhân viên, học sinh sinh viên vi phạm pháp luật, không có biện pháp xử lý kịp thời, không thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin báo cáo, sẽ căn cứ tình hình thực tế xét trừ vào tiêu chí thi đua cuối năm.

Các học sinh, sinh viên khi vi phạm một lần sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Nếu biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần hai, học sinh sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú. Trường hợp đã được giáo dục nhưng tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ, buộc thôi học một tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục răn đe

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG