Hiếu thảo, hiếu học, vượt khó

Em Y Thước Hđơk vui mừng khi được tặng thêm chiếc xe đạp.
Em Y Thước Hđơk vui mừng khi được tặng thêm chiếc xe đạp.
TP - Chương trình trao học bổng Đọt Chuối Non lần thứ 8 của báo Tiền Phong đã thành công tốt đẹp. Hàng nghìn cử tọa chăm chú lắng nghe, theo dõi những câu chuyện cảm động về sự hiếu học, hiếu thảo, vượt khó của 97 học sinh phổ thông 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông được giới thiệu lên nhận học bổng.

Lần đầu ra phố

Đó là em Ma Thị Ly, sớm mồ côi cha, gia cảnh rất khó khăn, nhưng liên tục là học sinh giỏi, hiện học lớp 6A1, Trường THCS Cư Pui, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Trò chuyện trước giờ khai mạc lễ trao học bổng Đọt Chuối Non, Ly kể em là người dân tộc Mông, sống trong buôn làng vùng sâu, riêng đoạn đường từ nhà ra huyện đã hơn 50 km, thỉnh thoảng em mới được cùng bố mẹ đi chợ huyện.

“Được trường giới thiệu để báo Tiền Phong trao học bổng, quá háo hức lần đầu có cơ hội lên phố xa hơn 100 km, cả đêm em thao thức không ngủ được, 3 giờ sáng, người nhà chở em ra Phòng Giáo dục huyện rồi các thầy cô đưa chúng em đến đây. Được nhận học bổng Đọt Chuối Non, em rất vinh dự và sẽ cố gắng học tập tốt hơn nữa”, Ly nói.

Nam sinh cuốc bộ xa nhất

Niềm vui nhân đôi trong buổi lễ trao học bổng đối với cậu học trò Ê đê Y Thước Hđơk (SN 2002), học sinh lớp 9B, Trường THCS Hòa Khánh ở buôn Kbu, ngoại thành Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Bố mẹ quanh năm làm thuê, 2 anh em Y Thước cứ ngày đi học, đêm lội đồng bắt cua bán; mùa này, mỗi sớm cuối tuần, em còn thức dậy từ mờ sáng đi hái cà phê thuê, giúp bố mẹ đỡ nặng gánh lo toan. Dù vất vả hơn nhiều bạn đồng lứa, Y Thước vẫn là cây văn nghệ tài năng nhất của trường với chất giọng đẹp. Em cũng vừa đạt giải nhất học sinh giỏi môn Lịch sử do trường tổ chức.

Nhà báo Hoàng Thiên Nga (điều hành chương trình) hỏi trong tất cả nam sinh đã nhận học bổng, em nào hằng ngày phải đi bộ xa nhất để đến trường? Các em nêu các con số và nam sinh cuốc bộ xa nhất chính là Y Thước H’đơk - 8km mỗi buổi cả đi lẫn về. Và ước mơ của Y Thước đã thành hiện thực, khi em được tặng một chiếc xe đạp.

Hết lòng vì học trò

Huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông có 6 học sinh được thầy cô đưa đi nhận học bổng Đọt Chuối Non đợt này. Cô H’Keng, giáo viên Trường THCS Nguyễn Trãi ở xã Đắk Môl, cho biết, riêng trường Nguyễn Trãi có 4 học sinh được duyệt vào danh sách. Trước ngày nhận học bổng, 5 cô trò khăn gói hẹn gặp nhau ở trạm xe buýt Đắk Mil, rồi cùng nhau đi lên Buôn Ma Thuột. Rất vui vì được Ban tổ chức chương trình tài trợ cho chỗ ăn ở chu đáo. Đây là lần đầu tiên các cô trò vùng sâu được ở khách sạn 3 sao.

Để đưa học trò đi nhận học bổng, cô Thái Thị Nhàn, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du ở xã Đắk Nuê, huyện Lắk, phải dậy lúc 5h sáng, tới nhà chở học trò cho kịp giờ lên xe buýt, nhưng ra tới nơi chờ lâu, sợ muộn, hai cô trò phóng xe máy đi luôn mà không kịp ăn sáng. Học trò của cô là em H’Dinh Ông, người dân tộc M’nông, con thứ 5 trong một gia đình có 7 anh chị em, đa số đều phải nghỉ học sớm. H’Dinh ngoài việc nỗ lực học hành còn đi làm thuê để đỡ đần cha mẹ.

Tại lễ trao học bổng, ông Trịnh Dũng, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, phát biểu: Qua nhiều năm theo dõi, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá cao ý nghĩa, hiệu quả, sức lan tỏa đầy tính nhân văn từ chương trình học bổng Đọt Chuối Non của báo Tiền Phong, cùng nhiều cống hiến về chuyên môn, nghiệp vụ mà những phần việc thiện nguyện khác mà Ban đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên suốt 21 năm thường trú đã liên tục đóng góp cho sự tiến bộ, giàu đẹp trên địa bàn.

MỚI - NÓNG