Sò huyết là đối tượng thuỷ sản nuôi có giá trị kinh tế cao, thân thiện với môi trường. Sò huyết chỉ ăn sinh vật phù du và sống ké trong môi trường nước nuôi tôm, cua, nên người dân khi nuôi chủ yếu bỏ chi phí để mua con giống. Sau khoảng 1 năm nuôi thả, sò huyết có thể thu hoạch, với trọng lượng từ khoảng 120-130 con/kg.
Ông Lê Văn Thuân, ở xã Nam Thái, ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang lâu nay gắn bó với nghề nuôi cua, nhưng nay do tác động của thời tiết thay đổi, biến đổi khí hậu nên nuôi cua gặp khó khăn. Nhờ sự hỗ trợ từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (MD-ICRSL), ông và một số hộ dân đã chuyển sang nuôi sò huyết dưới tán rừng, vì cho hiệu quả cao hơn.
Nông dân huyện An Biên (Kiên Giang) nuôi sò huyết dưới tán rừng |
Dự án đã chọn ra một số hộ dân tiêu biểu để làm điểm trình diễn. Khi tham gia mô hình trình diễn nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ, người dân được dự án MD-ICRSL tổ chức tập huấn, hỗ trợ 50% tiền con giống, chế phẩm sinh học, dụng cụ đo môi trường.
Bên cạnh đó, các hộ dân cũng được cán bộ kỹ thuật của Dự án theo sát, hỗ trợ thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như độ PH, độ mặn, độ trong, nhiệt độ… để kịp thời xử lý khi môi trường biến đổi, tránh hiện tượng sò bị sốc khi môi trường thay đổi.
Theo ông Thuân, sò huyết là loài dễ nuôi, tốn ít công chăm sóc, đầu tư thức ăn cũng không nhiều đang được bà con vùng bãi bồi ven biển nuôi thả. Tuy nhiên, để sò có tỷ lệ sống cao, thu lợi nhuận bền vững không phải dễ. Bởi thế, người nông dân cần được hỗ trợ xử lý nước và lựa chọn con giống.
Sau khi nuôi từ 10-12 tháng, thu hoạch được lãi khoảng 50 triệu đồng/ha. Ông Thuân cho biết, từ khi nuôi sò, bà con ở đây cũng kiếm ăn được. Riêng gia đình ông, trong vụ sò huyết vừa qua cũng lời được khoảng 90 triệu đồng.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Biên, Dự án xây dựng mô hình thí điểm nhằm giúp bà con nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, là nền tảng nhân rộng mô hình cho người dân trong vùng dự án.
Sau khi người dân tham gia mô hình sẽ chính là những người tuyên truyền viên để tuyên truyền các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã áp dụng cho các hộ nuôi lân cận, từ đó nhân rộng loại hình, phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đại diện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang cho biết, các hộ dân được phổ biến kỹ thuật, kết hợp thực hành trên đầm nuôi. Những hộ dân tham gia mô hình nuôi sò có lợi nhuận cao hơn mô hình thường khoảng từ 15 đến 20%.
Với diện tích rừng ngập mặn lớn, người dân vùng bán đảo ở Kiên Giang có thể tận dụng thể nuôi sò huyết tạo sinh kế ổn định |
Có thể thấy, cùng với tôm, cua, việc mô hình nuôi sò huyết dưới tán rừng giúp cải thiện thu nhập, sinh kế ổn định, người dân đã thấy được lợi ích, hiệu quả của công tác bảo vệ rừng kết hợp với nuôi trồng thủy sản, qua đó góp phần bảo vệ và phát triển rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, nuôi sò huyết cũng góp phần cải tạo môi trường nước, do chúng lọc tảo, xử lý mùn bã hữu cơ, vi sinh.
Hiện tỉnh Kiên Giang có diện tích nuôi sò huyết dưới tán rừng phòng hộ bãi bồi ven biển hơn 6.200 hecta, tập trung ở 2 huyện An Biên và An Minh. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các hộ nuôi sò huyết theo kinh nghiệm tự phát, chưa ứng dụng nhiều về khoa học kỹ thuật, nguồn giống lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, giá trị kinh tế mang lại không cao.
Bởi vậy, từ sự hỗ trợ của Dự án MD-ICRSL, để phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang đang triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi sò huyết.
Cùng đó, trong thời gian tới, để nhân rộng dự án, chính quyền địa phương cần quan tâm hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn và kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp nhằm bao tiêu, giúp người dân đảm bảo đầu ra cho sản phẩm ổn định hơn.