Trời lạnh, thủy triều lớn nhưng trong rừng sinh thái ngập mặn xã Diễn Kim vẫn có nhiều người lặn lội mưu sinh bằng nghề bắt cua biển. Anh Duy, một thợ săn cua có thâm niên ở xóm Tiền Tiến cho biết: Diễn Kim có gần 200 ha diện tích rừng sú vẹt ngập mặn, tập trung nhiều tôm, cua, cá khi thủy triều lên. Nhiều người dân địa phương chọn nghề bắt cua làm kế sinh nhai. Riêng xóm anh đã có trên 30 người làm nghề này.
Hiện nay là mùa cua sinh sản, cũng là mùa săn cua của người dân nơi đây. Theo Duy thì cua thường di chuyển từ biển vào cửa sông rồi tìm tới những khu vực bùn lầy, đất ẩm ướt trong rừng để cư trú. Bắt cua không hề dễ bởi cua không di chuyển theo đàn mà đi riêng lẻ, muốn bắt phải có kinh nghiệm.
Cua thường đào hang dưới gốc sú vẹt hay nơi đất cứng. Có khi hang sâu trên 1 m, phải dùng móc câu là thanh sắt nhỏ dài khoảng 1 m, hai đầu uốn cong. Khi phát hiện hang có cua ở, lấy thuổng đào và dùng móc câu dụ cho cua kẹp vào móc rồi nhẹ nhàng kéo ra. Nếu nghe tiếng động, cua sẽ nhào xuống nước và lặn mất tăm.
Những người thợ săn có kinh nghiệm ở Diễn Kim thường dùng mồi giun hoặc tôm ươn làm mồi câu cua biển. Cua câu được đa phần là con lớn từ 500 gr - 1 kg. Mỗi ngày câu được vài con là yên tâm bỏ túi 200.000 - 300.000 đồng.
Một cách bắt khác dễ dàng hơn nhiều là bẫy cua bằng lưới bát quái. Duy bảo: "Cua thường bò từ lòng lạch lên những gốc cây trong rừng để tìm mồi. Bẫy phải đặt men theo dọc bờ lạch để dụ chúng vào. Nhưng phải thức đêm để canh, nếu không nước lớn cuốn trôi mất cả hàng chục mét bẫy".
Duy cho biết: Mỗi ngày đặt bẫy có thể bắt được từ 1 - 2 kg, may thì 4 - 5 kg. Giá cả cua thịt loại 1 từ 250.000 - 300.000 đồng/kg, cua nhỏ làm giống có giá 3.000 - 5.000 đồng/con tuỳ thời điểm.
Cua biển trong rừng ngập mặn thịt chắc thơm ngon được thị trường ưa chuộng nên nhiều người nhanh nhạy lập trang trại nuôi cua biển, thu lãi mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Hiện nay ở Diễn Vạn có hàng chục hộ nuôi cua thương phẩm nên ngoài bắt cua bán cho thị trường thì bà con các xã Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Vạn còn có thêm nghề săn cua giống bán cho hộ nuôi cua.
Cua biển trong rừng ngập mặn Diễn Châu có tiếng là thơm ngon. Ảnh: T.D
Một điều đáng lo ngại là cách săn bắt ồ ạt theo kiểu tận diệt với nhiều phương tiện như lưới bát quái, kích điện có thể khiến cua biển nói riêng và nguồn thủy hải sản của rừng ngập mặn nói chung cạn kiệt.
Ông Nguyễn Văn Hào, một thợ săn cua ở Diễn Vạn tâm sự: Trước đây, cua biển nhiều lắm, có ngày tôi săn được cả yến nhưng nay nhiều người bắt kiểu tận diệt nên cua đã hiếm rồi. Có khi đi bắt cả ngày chẳng được con nào./.