Ảnh minh hoạ: Reuters |
Theo Straistimes, nghiên cứu mới của CDC Mỹ được thực hiện dựa trên 241.204 lượt bệnh nhân đến phòng cấp cứu, và 93.408 lượt bệnh nhân phải nhập viện trong số những người trưởng thành mắc các triệu chứng giống COVID-19 từ ngày 26/8/2021 đến ngày 22/1/2022.
Ở những trường hợp này, hiệu quả của vắc xin được tính bằng cách so sánh tỷ lệ chênh lệch giữa nhóm F0 đã tiêm chủng và chưa tiêm chủng, đồng thời cân nhắc các yếu tố khác như khu vực địa lý, độ tuổi, mức độ lây truyền, bệnh nền…
Trong thời kỳ biến thể Omicron chiếm ưu thế, hiệu quả của vắc xin mRNA trong việc ngăn ngừa các ca cấp cứu liên quan đến COVID-19 đạt 87% trong hai tháng sau liều thứ ba. Tuy nhiên, con số này giảm xuống còn 66% từ tháng thứ tư.
Hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa nhập viện là 91% trong hai tháng đầu tiên, nhưng đã giảm xuống còn 78% vào tháng thứ tư sau khi tiêm liều thứ ba.
Các tác giả kết luận: “Tình trạng vắc xin mRNA giảm khả năng bảo vệ trong vài tháng sau khi tiêm liều thứ ba cho thấy tầm quan trọng của việc xem xét tiêm các liều bổ sung để duy trì, cải thiện độ miễn dịch.”
Phát biểu tại cuộc họp về COVID-19 của Nhà Trắng hôm 9/2, Cố vấn Y tế Anthony Fauci cho biết có khả năng liều thứ tư sẽ là cần thiết đối với những nhóm nhỏ có hệ thống miễn dịch yếu hơn, chẳng hạn người cao tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch.