QUÝ VÀ HIẾM
Bộ trưởng Bộ Y tế mà lại được cấp súng ngắn. Đó là một khẩu Colt có số hiệu 532012 do Bác Hồ cấp cho giáo sư bác sĩ Hoàng Tích Trý (hay còn gọi là Hoàng Tích Trí), để hoạt động trong thời gian từ 1950 đến 1958 (năm chủ nhân qua đời). Cấp kèm theo bao da đựng súng và 3 băng đạn, 10 viên đạn.
Khẩu súng này được Phòng 6 - Phòng Vũ khí, Vật liệu nổ, Công cụ hỗ trợ và Pháo - thuộc Cục Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an trực tiếp xử lý an toàn.
Khẩu súng Colt với bao da, băng đạn mà Bác Hồ cấp cho Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trý.
GSBS Hoàng Tích Trý là nhà khoa học đầu tiên về vi trùng học, người xây dựng hệ thống các viện Vi trùng học Việt Nam từ ngày đầu độc lập. Hôm 29/8, người con trai thứ 5 của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Hoàng Thủy Lạc, đại diện cho gia đình trực tiếp trao tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh khẩu súng đặc biệt này, cùng những tài liệu và hiện vật quí khác trong đó có bốn bức thư Hồ Chủ tịch gửi cha ông năm 1947, lần đầu được công bố. Nội dung thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Người đối với công tác y tế, thể hiện việc chăm lo sức khỏe nhân dân, hoặc thư Bác thăm hỏi chúc Tết Bộ trưởng Y tế cùng các cộng sự của ông. Ông Lạc còn tặng bảo tàng bộ sưu tập 5 chứng minh thư Bác cấp cho cha mình hồi thập niên 1950 có bút tích của Bác...
Có khoảng 80 hiện vật mới nhất, liên quan đến Bác Hồ và cách mạng, được Bảo tàng Hồ Chí Minh bỏ công sưu tầm năm qua, để rồi giới thiệu trước báo giới hôm 29/8 với sự có mặt của các nhân chứng.
Tháng 7/1957, họa sĩ nổi tiếng Bungari - Petrov vinh dự có mặt trong buổi đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Bungari tiếp đón Hồ Chủ tịch thăm một số nước Đông Âu. Cảm phục vị chủ tịch nước vĩ đại và giản dị, họa sĩ đã vẽ bức chân dung Hồ Chủ tịch bằng niềm yêu kính ngưỡng mộ. Bức tranh sơn dầu kích thức 64x74cm thể hiện thần thái giản dị cao quí của Bác, họa sĩ đã trao cho em gái trước khi ông qua đời. Người này mất, bức tranh thuộc về con trai bà, và nó luôn được treo trang trọng ở phòng khách 6 chục năm qua.
Tháng 10 năm ngoái, đoàn công tác của Bảo tàng Hồ Chí Minh dự triển lãm và hội thảo khoa học về Hồ Chủ tịch tại Bungari. Đoàn gặp được đại diện gia đình họa sĩ Petrov tại đây, được họ trân trọng tặng lại bức tranh quí mà họ giữ gìn cẩn thận bao năm. Nói chung cuộc này thuận lợi hơn nhiều so với bức vẽ Bác của họa sĩ Nga Aleksei Petrovich Kuznetsov (1916-1993). Bức vẽ của họa sĩ Nga rồi cũng về Phủ Chủ tịch nhưng phải sau một thời gian thương thảo, mua lại của gia đình họa sĩ, và thời gian thẩm định tính nguyên gốc, tính giá trị.
Trong 80 kỷ vật công bố đợt này, có những thứ giản dị như chiếc huy hiệu Bác Hồ hoặc chiếc khăn quàng đỏ thắm - quà Bác tặng cháu thiếu nhi, hoặc những bức ảnh tư liệu rất đẹp, rất giá trị chưa từng được công bố. Có sách, báo viết hoặc dịch về Hồ Chủ tịch, nay được các dịch giả và nhà sử học tặng lại. Có những bức ảnh quý như chùm 4 ảnh Hồ Chủ tịch thăm trường thiếu nhi Việt Nam ở Mortzburg (Đức), tháng 7/1957. Tranh Việt kiều vẽ Bác: ông Đào Trọng Lý, vẽ năm chục bức về Bác với đủ loại bối cảnh, và tặng bảo tàng 8 trong 50 bức đó.
Có những bức thư khá đặc biệt như: Thư Hồ Chủ tịch gửi ông Phạm Công Tắc giáo chủ đạo Cao đài ở Campuchia. Số là trong thời gian sống ở Campuchia, ông Phạm Công Tắc nhiều lần gửi thư cho Hồ Chủ tịch và các vị lãnh đạo nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nói lên tấm lòng của tín đồ Cao Đài mong nước Việt sớm hòa bình thống nhất. Năm 1956 Hồ Chủ tịch đã gửi thư hồi đáp Phạm Công Tắc, bày tỏ hoan nghênh. Nay thư đó được truyền qua một số người để cuối cùng đến tay ông Bùi Duy Hải, nguyên tham tán đại sứ quán Việt Nam ở Campuchia để rồi về với Bảo tàng Hồ Chí Minh.
MỖI MÓN QUÀ MỘT CÂU CHUYỆN XÚC ÐỘNG
Những năm chiến tranh, Quảng Bình và Quảng Trị là nơi ác liệt nhất. Hồ Chủ tịch luôn quan tâm gửi thư hỏi thăm, tặng bằng khen, tặng quà cho tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc ở hai địa phương trên. Bảo tàng Hồ Chí Minh coi nhóm hiện vật ở Quảng Bình, Quảng Trị mà họ sưu tập được đợt này, tuy nhỏ bé nhưng thực sự quí giá bởi nó được bảo quản lưu giữ kỳ công, có lẽ hơn mọi nơi khác. Trải bao mưa bom bão đạn.
Ông Vũ Mạnh Hà, Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kể: “Trong bằng khen một xã ở Vĩnh Linh, Bác đã ký “Bác Hồ” chứ không ký “Hồ Chủ tịch”. Tôi nghĩ người dân có lẽ cảm nhận được sự gần gũi thân tình của vị chủ tịch nước”.
Mẹ con bà Trương Thị Diên, Anh hùng Lao động, tặng kỷ vật Bác Hồ cho ông Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh. Ảnh: DPV.
Tấm lòng của Người như vậy, nên người nhận luôn coi đó là kỷ vật thiêng liêng, là lời nhắc nhở động viên trên chặng đường dài phấn đấu. Trong buổi sáng 29/8, những người từng gặp Bác, từng nhận quà của Người đều vui lòng tặng lại trong sự xúc động. Cả những người chỉ là đại diện gia đình, cũng vậy (do người nhận quà đã qua đời). Một trong số họ là Đại tá Trịnh Tấn, nguyên Cục phó Cục Hậu cần của quân chủng Không quân, hiện sống ở Hà Nội. Ông Tấn tặng Bảo tàng một số thứ, ví dụ ảnh Bác thăm trường Không quân hồi tháng 12/1960 hoặc ảnh chụp Bác và lãnh đạo Đảng Nhà nước cùng Bộ Quốc Phòng tại sân bay Nà Sản tháng 5/1959.
Chỉ vào một bức, ông nói: “Tôi vốn trong đoàn quân Tây tiến, sĩ quan đánh Điện Biên Phủ của trung đoàn 148 Sơn La. Mấy năm trước đồng đội ở TPHCM gọi tôi vào, trang trọng bàn giao bức ảnh này, để rồi bây giờ tôi tặng bảo tàng”. Ông kể, đời mình nhiều lần được thưởng huân chương do Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Chí Công... ký, nhưng ông cảm thấy vinh dự tự hào nhất với hai huân chương có chữ ký của Bác Hồ. Chỉ vào một bằng chứng nhận huân chương- cũng thuộc số hiện vật ông trao tặng bảo tàng, ông Tấn nói: “Nhìn xem, lúc đó Bác yếu rồi, chữ ký bị run”. Ông đã bốn lần gặp Bác.
Thư Bác viết gì?
Một trong bốn bức thư Hồ Chủ tịch gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Hoàng Tích Trý viết: “Tôi nghe nói ở nhà thương Việt Trì có 77 người bệnh mà có 52 y sĩ và người giúp việc (học sinh thuốc, v.v). Thế là một người trông nom 1,1/2 người bệnh. Chắc là có nhà thương lại thiếu người giúp việc. Chú nên có một cái plan chung, để phân phối công tác cho quân bình...”.
Bên lề cuộc trao tặng kỷ vật, ông Hoàng Thủy Lạc, con trai GSBS Hoàng Tích Trý kể những câu chuyện nho nhỏ về Bác mà ông được nghe qua người cha. Ví dụ trong một cuộc họp về phòng dịch, Bác đột ngột hỏi “cái vỉ ruồi của chú Trý đâu”. Cha ông điềm nhiên mở cặp lấy vỉ ruồi đưa ra. Bác: “Chú cũng nhanh trí đấy nhỉ”.
Những năm kháng Pháp, GSBS Hoàng Tích Trý cùng Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng mạng lưới y tế nhân dân, phối hợp với quân y tham gia cấp cứu, phòng dịch ngoài mặt trận. Ông cũng chỉ đạo Viện Vi trùng học nghiên cứu chế tạo văc-xin phòng bệnh dịch, đặt nền tảng cho y học dự phòng Việt Nam.
Bác Hồ là vậy, luôn quan tâm từ cái nhỏ nhất, thiết thực nhất. Ông Hoàng Thủy Lạc kể khi GSBS Hoàng Tích Trý qua đời, Bác Hồ đến tận nhà ông động viên chia sẻ vô cùng ấm áp. Ông kết luận: “Chúng ta học Bác cả đời nhưng phải thực tâm và thực chất”.
Cháu nào ở Vĩnh Linh?
Từ Quảng Trị ra thủ đô dịp này, ông Đinh Ngọc Thỉ mang theo chiếc khăn quàng đỏ được ông gìn giữ bao năm. Người đàn ông có gương mặt hiền lành này kể: Hồi đó, bé xíu, ông được bầu làm chủ nhiệm hợp tác xã măng non Duy Viên, xã Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh, Quảng Trị, vận động 130 đội viên thiếu niên nhi đồng tăng gia sản xuất đồng thời chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ... Thành tích của đội măng non được báo, đài khen nên Bác Hồ đã gửi tặng bằng khen cho hợp tác xã còn chủ nhiệm được ra Hà Nội cùng đoàn đại biểu Vĩnh Linh dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ Thi đua toàn quốc.
Ông Ðinh Ngọc Thỉ (Quảng Trị) xúc động nhớ lại kỷ niệm ba lần gặp Bác trong một ngày. Ảnh: DPV.Ông kể giờ giải lao ngày khai mạc, ông được đứng hàng đầu, cạnh Bác để chụp ảnh. Chiều đó xe của Trung ương Đoàn đón ông cùng 4 bạn nhỏ đến Phủ Chủ tịch gặp Bác. Ông Thỉ xúc động: “Xe dừng, Bác chạy ra giang tay ôm 5 chúng tôi vào lòng. Một ngày tôi được gặp Bác ba lần. Quanh tôi còn nhiều bạn khác, vừa gặp Bác hỏi ngay: “Cháu nào ở Vĩnh Linh?”. Tôi bẽn lẽn giơ tay, Bác liền ân cần hỏi chuyện, ra về gửi quà cho tôi gồm khăn quàng đỏ, huy hiệu, chiếc đàn, và bánh kẹo để tôi chia cho các bạn ở nhà. Tiếc quá về sau đàn bị cháy do bom đạn, huy hiệu Bác Hồ cũng thất lạc, chỉ còn chiếc khăn quàng đỏ này để tặng lại bảo tàng”.