Ông Giám cho biết, TPHCM đang ở những ngày cuối mùa mưa, bắt đầu chịu ảnh hưởng của không khí lạnh. Khi không khí lạnh về, ở những vùng nhiều hơi nước như vùng ven biển, đồng bằng sông Cửu Long, một số quận ở TPHCM sẽ hình thành sương mù là một dạng mây tầm thấp, gây ra tình trạng mù.
Cũng theo ông Giám nếu là hiện tượng mù do ô nhiễm thì vùng bị mù phải diễn ra ở diện rộng, kéo dài nhiều ngày chứ không phải một vài ngày như thế này. Kết quả quan trắc của Trạm Khí tượng Môi trường Nhà Bè cũng cho thấy, các chỉ tiêu không khí vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
Trong khi đó, theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, dựa trên các kết quả quan trắc tại các trạm xung quanh TPHCM như trạm Biên Hòa (Đồng Nai), Cần Thơ chưa phát hiện sự bất thường. Các chỉ tiêu quan trắc không khí như SO2, NOx, Bụi, Ozon đều trong ngưỡng an toàn.
"Trước đó, có ý kiến cho rằng hiện tượng mù khô ở TPHCM là do ô nhiễm không khí, có thể do ảnh hưởng của cháy rừng lan sang từ Indonesia. Tuy nhiên, việc xác định nguyên nhân gây hiện tượng mù khô cần thêm thời gian", ông Tùng nói.
Ông Tùng cũng cho hay, do hệ thống quan trắc của TPHCM không hoạt động nên việc xác định nguyên nhân gặp nhiều khó khăn.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM có 9 trạm quan trắc môi trường không khí nhưng đều gặp trục trặc nên mấy năm nay số liệu quan trắc không khí ở TPHCM rất hạn chế.
Trong khi đó, sáng nay, tình trạng mù khô vẫn tiếp tục diễn ra tại nhiều nơi trên địa bàn thành phố.