Hiện tượng Khá Bảnh: Báo động về ‘thần tượng’ của giới trẻ

Hình ảnh Khá Bảnh được nhiều bạn trẻ chào đón
Hình ảnh Khá Bảnh được nhiều bạn trẻ chào đón
TPO - Nhiều giáo viên, nhà tâm lý cho rằng việc giới trẻ thần tượng các “giang hồ mạng” như Khá Bảnh thật sự là một hiện tượng đáng báo động về tầm văn hóa và ứng xử của giới trẻ, góp phần dẫn đến tình trạng bạo lực học đường trầm trọng như hiện nay.

Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những video văng tục, chửi bới, diễn cách hành xử kiểu giang hồ thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ với hàng triệu lượt xem và bình luận.

Điều đáng nói là không chỉ dừng lại ở việc xem và bình luận các video, nhiều bạn trẻ còn coi các “giang hồ “ trên mạng như Khá Bảnh là thần tượng, tung hô ca ngợi các đối tượng này.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương chuyên gia Tâm lý giáo dục cho rằng, những đoạn clip khoe hình xăm trổ, đòi nợ thuê, hù dọa thanh trừng lẫn nhau, văng tục, chửi thề... của các giang hồ mạng có thể cổ động trẻ con làm việc xấu nếu bản thân những đứa trẻ có sẵn tư tưởng làm việc xấu trong đầu. Đứa trẻ đã muốn làm việc xấu nhưng mà chưa dám làm vì sợ cái này cái kia. Khi nó xem những clip của các đối tượng trên thì nó nghĩ có thể làm được và dám làm. 

“Đây thật sự là một hiện tượng đáng báo động cho tầm văn hóa và ứng xử của giới trẻ. Dường như trẻ không biết hoặc không muốn chấp nhận những chuẩn mực đạo đức, bị hấp dẫn với những hành vi vi phạm pháp luật, đi ngược lại thuần phong mĩ tục của dân tộc”- TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Tiến sĩ Hương phân tích, các “giang hồ” mạng có ảnh hưởng nếu trong trường hợp đứa trẻ xem những người như Khá Bảnh là thần tượng, người truyền cảm hứng. Hiện tượng này có thể so sánh với trò chơi Cá Voi Xanh, rất nguy hiểm cho giới trẻ.

Hiện tượng này đặc biệt nguy hiểm ở chỗ, các học sinh thần tượng những giang hồ mạng có thể nói là một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng.

“Không chỉ có bạo lực, những hành vi vi phạm pháp luật sẽ được cổ vũ và coi trọng như hành vi anh hùng. Từ đó sẽ khiến tăng cường các vụ án nghiêm trọng về cả mức độ lẫn số lượng”- TS Vũ Thu Hương cho hay.

Có ngăn cấm được giới trẻ “thần tượng” giang hồ?

Về việc có nên ngăn cấm con trẻ xem các clip bạo lực của các “giang hồ' trên mạng hay không?Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hương cho rằng bố mẹ có muốn cũng không ngăn cấm được. Việc ngăn cấm sẽ không hiệu quả, thậm chí gây ra tác dụng ngược.

TS Hương cho rằng để hạn chế con trẻ chịu ảnh hưởng của các thần tượng giang hồ trên mạng xã hội và đặc biệt là những hành vi lệch chuẩn của họ. Điều cần làm là giáo dục đạo đức và ý thức công dân cho trẻ. Đồng thời tạo ra các sân chơi lành mạnh, các hoạt động cộng đồng có ích để thu hút giới trẻ.

“Ngoài ra, chúng ta cần tạo ra các diễn đàn để trẻ được phép phát biểu, nói thẳng quan điểm của mình về các vấn đề xã hội, kể cả những hiện tượng mạng này. Những trao đổi thẳng thắn sẽ giúp trẻ điều chỉnh nhận thức và hành vi về mọi vấn đề xung quanh. Khi tham gia các hoạt động lành mạnh rồi sẽ hạn chế việc bị ảnh hưởng của những hoạt động, trào lưu không lành mạnh”- TS Hương nêu quan điểm.

Cô Nguyễn Đình Thị Thủy, giáo viên dạy Văn trường THPT Hoài Đức A, Hà Nội cho rằng, hiện tượng giới trẻ đặc biệt là học sinh lại đi “thần tượng” giang hồ trên mạng xã hội thật nguy hiểm và vượt qua giới hạn văn hóa.

Điều này không thể ngăn cản giới trẻ họ thích hay không khi xem nhiều những video văng tục, chửi bới, diễn cách hành xử kiểu giang hồ thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ với hàng triệu lượt xem và bình luận thì thật sự là nguy hiểm.

“Những đoạn clip khoe hình xăm trổ, đòi nợ thuê, hù dọa thanh trừng lẫn nhau, văng tục, chửi thề,… của Khá Bảnh mà được học sinh thích thú thì chẳng khác gì cổ súy cho lối sống thực dụng, nông cạn”- cô Thủy nêu quan điểm.

Còn Phạm An, một giáo viên khác Hà Nội cho rằng, một người như Khá Bảnh phải đi trại giáo dưỡng từ khi chưa đủ 18 tuổi, sau đó lại vào tù ra tội nhưng chỉ với loạt video gây sốc như đốt xe, khoe tiền…mà nổi tiếng trên mạng xã hội với hàng triệu người theo dõi thì quả là hiện tượng bất thường.

"Không thể cấm giới trẻ thích gì, xem gì nhưng kiểu thần tượng mạng này thật đáng nguy hiểm"- cô An nêu quan điểm.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, những hiện tượng như Khá “bảnh” là vấn đề cực kỳ không tốt, rất nguy hiểm cho giới trẻ hiện nay. Thủ tướng đã có ý kiến rất gắt gao đối với Bộ Thông tin và Truyền thông liên quan đến quản lý mã độc, thông tin xuyên tạc, không đúng sự thật, phản cảm, tục tĩu. Những trường hợp như thế này không thể chấp nhận được trong một xã hội lành mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam:  Việc Ngô Bá Khá có những clip phản cảm, tục tĩu trên mạng là một hiện tượng cần phải ngăn chặn kịp thời.

Trung tá Đào Trung Hiếu, Chuyên gia tội phạm học Bộ Công an: Hiện tượng Khá Bảnh là một sự bất thường trên việc định hướng giá trị sống của giới trẻ bây giờ. Trên cộng đồng mạng xã hội, Khá "Bảnh" hiện ra như một đối tượng giang hồ có những hành vi lệch lạc, lệch chuẩn, hô hào, ứng xử theo kiểu xã hội đen. Những hành vi đó không theo đúng chuẩn mực đạo đức của xã hội được thể hiện qua thế giới mạng ảo từ quần áo, trạng phục và những hành động coi thường pháp luật như dựng xe ở trên cao tốc, đốt xe máy...

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, hiện các hoạt động, diễn biến trên mạng xã hội rất phức tạp, chủ yếu những nội dung phản cảm, khó kiểm soát xuất hiện trên các mạng xã hội do nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Bộ TTTT đang tích cực làm việc với các mạng xã hội nước ngoài để giảm thiểu các nội dung phản cảm, tiêu cực, tục tĩu…

MỚI - NÓNG