Những ngôi nhà ấm áp
“Ngày được chuyển vào nhà mới, tôi mấy đêm không ngủ được vì vui sướng, hạnh phúc. Có nằm mơ cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày mình lại có được một ngôi nhà mới kiên cố như thế này. Giờ gia đình, con cháu không phải sống trong lo âu, mỗi khi mưa gió, nắng nóng nữa”.
Bà Đinh Thị Bông
Đầu tháng 11 vừa qua, chúng tôi trở lại thăm một số gia đình được xây nhà trong chương trình. Trên cung đường khúc khuỷu lên Đà Bắc, bà Nguyễn Thị Tuyên, Trưởng Ban Phong trào, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đánh giá, đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt, giúp cho các hộ gia đình chính sách, người có công được sống trong những ngôi nhà kiên cố, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống. Chương trình này cũng cơ bản xóa được hết toàn bộ nhà tạm, cũ nát của đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh.
“Việc khảo sát xây dựng nhà tình nghĩa được báo Tiền Phong và MTTQ Việt Nam tỉnh làm rất kỹ lưỡng. Cùng với đó là sự linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện hỗ trợ. Cụ thể, những gia đình nào nhà xuống cấp nghiêm trọng sẽ hỗ trợ xây mới. Còn hộ nào cần sửa chữa, nâng cấp nhà cũ mà đảm bảo chắc chắn, tiết kiệm cũng được chấp thuận. Báo Tiền Phong đã chủ động đề xuất nội dung này, rất hiệu quả, hoàn toàn khác biệt với các chương trình khác”, bà Tuyên cho hay.
Bà Đinh Thị Bông hạnh phúc khi được ở trong ngôi nhà mới |
Các căn nhà đầu tiên được khởi công vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sỹ - 27/7/2022. Sau hơn 1 năm, đến nay, toàn bộ 120 căn nhà đã được xây dựng, sửa chữa xong, trở thành những tổ ấm hạnh phúc. Trong ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi, bà Đinh Thị Bông (80 tuổi, ở xóm Riêng, xã Tú Lý, huyện Đà Bắc) chia sẻ: “Tôi tham gia thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1962 đến năm 1965 thì xuất ngũ về lập gia đình, sinh 6 người con. Con đông, chồng mất sớm, sức khỏe yếu do di chứng chiến tranh, nên kinh tế gia đình khó khăn, không thể xây dựng, sửa chữa nhà ở. Bao năm phải sống trong ngôi nhà ọp ẹp, dột nát với nỗi lo sợ, ngôi nhà sẽ sập xuống lúc nào không biết”.
Một ngày, bà nhận được điện thoại của cán bộ MTTQ Việt Nam xã Tú Lý hẹn sáng hôm sau ở nhà để có đoàn đến thẩm định, hỗ trợ tiền xây nhà mới. “Lúc đó, cả người tôi run lên vì sung sướng, cứ nghĩ quẩn quanh, không biết cuộc điện thoại vừa rồi có thật không. Nhưng rồi, sáng hôm sau, đoàn công tác đến, tôi đã tin là sự thực”, bà Bông nói. Sau khi được hỗ trợ 60 triệu đồng từ chương trình, bà Bông bán thêm hai con trâu và được con cháu giúp sức thêm nên đã đủ điều kiện xây dựng căn nhà khang trang. “Ngày được chuyển vào nhà mới, tôi mấy đêm không ngủ được vì vui sướng, hạnh phúc. Có nằm mơ cũng không nghĩ rằng sẽ có ngày mình lại có được một ngôi nhà mới kiên cố như thế này. Giờ gia đình, con cháu không phải sống trong lo âu, mỗi khi mưa gió, nắng nóng nữa”, bà Bông vui sướng nói.
Cũng như bà Bông, gia đình bà Đinh Thị Hiền (65 tuổi), xóm Cháu, xã Tú Lý từ lâu sống trong căn nhà tạm, dột nát, ẩm thấp. Từ hỗ trợ của chương trình, bà vay mượn thêm người thân, xây dựng căn nhà trị giá gần 100 triệu đồng. “Tôi không biết nói gì hơn, chỉ biết cảm ơn sự quan tâm của Tập đoàn Phúc Sơn, báo Tiền Phong và MTTQ các cấp cùng các cơ quan, đoàn thể, bà con làng xóm giúp đỡ để tôi có được ngôi nhà mới. Có được ngôi nhà mới, việc thờ cúng liệt sỹ được chu đáo, sạch sẽ; gia đình, con cháu có cuộc sống tốt hơn”.
Của để dành cho con cháu
Rời huyện Đà Bắc, chúng tôi di chuyển hơn 60km đến huyện Lạc Sơn Đây là địa phương được phân bổ xây dựng 38 nhà, nhiều nhất trong gói hỗ trợ của Tập đoàn Phúc Sơn. Chị Tuyên tâm sự, các hộ gia đình chính sách, người có công được xây dựng, sửa chữa nhà vừa qua đa số ở tuổi xưa nay hiếm. Nếu như không được hỗ trợ kịp thời, các cụ khi chết vẫn phải ở trong những ngôi nhà tranh tre, nứa lá. Khoảnh khắc được chuyển về nhà mới là niềm hạnh phúc vô bờ bến của các cụ.
Sau gần 2 giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi đến gia đình ông Bùi Văn Bắp, 87 tuổi, ở xóm Chuông Bắp, xã Xuất Hóa. Khi đến, ông Bắp đã mất vì tuổi cao sức yếu. Chị Bùi Thị Vi, con dâu ông Bắp vừa gạt hai hàng nước mắt vừa cho biết, khi nhận được quyết định hỗ trợ 60 triệu đồng, bố chị rất vui mừng, quyết định dỡ ngôi nhà cũ, đào móng xây nhà mới ngay. Với số tiền ủng hộ cùng với 20 triệu đồng gia đình tích cóp bấy lâu và sự chung tay giúp đỡ của hàng xóm, anh em gia đình ông Bắp xây được ngôi nhà cấp 4 kiên cố với phòng khách rộng rãi và 2 phòng ngủ. Nhưng xây dựng xong, về nhà mới ở được gần 1 năm thì ông qua đời.
“Cả cuộc đời của ông phải sống khổ cực, ở trong căn nhà xiêu vẹo được ông bà làm cho từ ngày xưa. Nhưng thật buồn khi sống ở nhà mới ấm cúng chưa được bao lâu thì ông mất. Trước khi mất, ông trăn trối đã mãn nguyện, yên tâm về với các cụ tổ tiên. Ông mãn nguyện vì xây được nhà kiên cố để lại cho con cháu có cuộc sống tốt hơn”, chị Vi cho hay.
Nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong và lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình tại lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho ông Bùi Văn On, xã Nhân Mỹ, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình |
Thăm nhà chị Vi xong, chúng tôi xuôi xuống xóm Rộc, xã Xuất Hóa thăm nhà bà Bùi Thị Nheo (76 tuổi). Vừa bước vào sân nhà, tôi ngạc nhiên vì ngôi nhà sàn được xây dựng bằng bê tông cốt thép rất chắc chắn, bề thế. Bà Nheo cho biết, chồng bà là cựu chiến binh, sức khỏe rất yếu, con đông, ruộng nương lại ít, nên cuộc sống rất khó khăn. Mấy năm trước, tích cóp được ít tiền, ông cho đổ mấy cọc bê tông rồi hết tiền; nền sàn, tường nhà làm bằng tre nứa. Nhận được tiền hỗ trợ và cơ chế cho phép sửa chữa, hoàn thiện từ nhà cũ (mà không cần xây mới hoàn toàn) của chương trình, gia đình bà Nheo đã nhờ anh em, họ hàng giúp đỡ thêm vật liệu, ngày công xây được ngôi nhà mới khang trang.
Ông Bùi Văn Kiên, Ủy viên Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Lạc Sơn cho biết, những gia đình được hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải sinh sống lâu dài trong các ngôi nhà tạm bợ. Số tiền 50, 60 triệu đồng hỗ trợ mỗi gia đình chính sách, người có công xóa nhà tạm là cực kỳ quý giá và đây cũng là mức hỗ trợ cao nhất từ trước đến nay cho mỗi căn nhà tại Hòa Bình. Với số tiền này, cùng với nội lực của gia đình, sự giúp đỡ ngày công của hàng xóm, họ hàng, đoàn thanh niên các hộ gia đình đã làm được những ngôi nhà rất đẹp và chắc chắn, có giá trị sử dụng lâu dài.