Hiện thực hóa cơ hội

TP - Cơ hội và thách thức song hành là thông điệp tiếp tục được Bộ Công Thương nhấn mạnh trong các thông tin dồn dập đưa ra mấy ngày sát thời điểm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam, ngày 14/1/2019.

Như vậy, các cam kết của Việt Nam đã chính thức có hiệu lực, không một ưu đãi, trì hoãn nào được đưa ra.

Cùng việc được tiếp cận một cách dễ dàng hơn  với những thị trường rất mới như Canada, Mexico, việc mở rộng thị trường trong 11 nước thành viên CPTPP với 13,5% GDP toàn cầu thật sự là một cơ hội không dễ gì có được. Ở mặt ngược lại, cơ hội đến dễ với ta thì cũng đi đôi với cửa mở với các nước khác khi lần đầu tiên Việt Nam cam kết cắt giảm gần 100% dòng thuế; cam kết đối với hoạt động mua sắm công; cam kết về thương mại điện tử... 

Một cách giản dị nhất: xâm nhập được thị trường mới, mở cửa thị trường lớn đồng nghĩa doanh nghiệp sẽ có tiền, thu được lợi nhuận về cho đất nước. Cơ hội vàng này không dễ gì có được. Tuy nhiên, vàng sẽ nằm nguyên dưới đất, không lộ được giá trị thật của mình nếu như không được khai thác đúng mức và đúng cách. Như cách nói của Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán CPTPP, CPTPP không phải là mỏ vàng lộ thiên. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được.

Còn như nhận định của Trưởng ban pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), ông Đậu Anh Tuấn, nhìn vào việc Việt Nam gia nhập WTO rồi 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký trước đây từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng lợi ích đạt được thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn. 

Với CPTPP mối lo hiện hữu hơn, dù mới chỉ bắt đầu và chưa thật sự lớn, là hiện chúng ta chưa thấy một đầu mối chính thức để tiếp nhận các yêu cầu cung cấp thông tin cụ thể, nơi có thể giải quyết các vướng mắc và vấn đề của doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc xử lý các bất đồng về cách thức diễn giải trong quá trình áp dụng trực tiếp các cam kết cũng như các quy định nội luật hóa Hiệp định. Cũng chưa nhìn thấy kế hoạch sửa đổi hay ban hành mới các chính sách (không phải do Hiệp định trực tiếp yêu cầu) mà là chủ động cần thiết phải điều chỉnh dưới tác động của CPTPP. 

Câu hỏi lớn đặt ra: Cục diện cạnh tranh quốc gia của Việt Nam với 10 thành viên còn lại của CPTPP và các đối tác-đối thủ khác của các châu lục sẽ thế nào đến nay vẫn chưa có lời giải. Việc lớn đã ký rồi, cơ quan quản lý cần tập trung kiên trì “tháo gỡ rào cản”, “giải quyết khó khăn”, “gỡ đinh dưới thảm” cho doanh nghiệp để có thể vươn lên cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, điều mà các nước khác đã và đang làm từ rất lâu. Nội lực doanh nghiệp có mạnh, đất nước mới có sự cạnh tranh còn nếu không cơ hội chưa thấy, khó khăn đã ập đến. Khi đó mọi chuyện đã là quá muộn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.