Hiến kế tiêu tiền cho Thủy Tiên

Vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh lắp đặt máy lọc nước hỗ trợ người dân chịu hạn mặn tại Bến Tre tháng 4/2020
Vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh lắp đặt máy lọc nước hỗ trợ người dân chịu hạn mặn tại Bến Tre tháng 4/2020
TP - Mỗi đợt lũ lụt, nhân dân lại được tăng cường nhận thức về công dụng của rừng. Tệ nạn phá rừng bị lên án mạnh mẽ, nhưng có vẻ cũng chẳng ngăn chặn được mấy. Trong khi trồng rừng vẫn chưa phải mối quan tâm hàng đầu.
Còn ở Ethiopia tháng Bảy năm ngoái, Thủ tướng nước này phát động chiến dịch trồng 200 triệu cây trong ngày nhằm phá kỷ lục trồng 66 triệu cây trong 12h năm 2017 của Ấn Độ. Kết quả hôm đó Ethiopia trồng được 224 triệu cây. Nước này dự định trồng 4 tỷ cây trong 5 tháng. Tất nhiên họ có động lực từ việc diện tích rừng của nước này giảm mạnh, chỉ còn chưa đầy 4% so với 30% vào cuối thế kỷ 19. Tháng 10/2019, Senagal cũng công bố hoàn thành dự án trồng rừng ngập mặn lớn nhất thế giới với 150 triệu cây phủ xanh 2.000ha tại vùng duyên hải phía Nam.

Tháng 11/2019, báo chí loan tin cặp vợ chồng nhiếp ảnh gia Brazil Sebastião Salgado bỏ ra hơn 20 năm làm xanh lại cánh rừng quê hương bằng việc trồng 4 triệu cây thuộc gần 300 loài. Họ thuê người làm và sau đó có thêm nhiều tình nguyện viên tham gia công cuộc hồi phục hệ sinh thái địa phương.
Theo câu thơ của Bế Kiến Quốc “Ai trồng cây/Người đó có hạnh phúc” thì ông Jadav Payeng ở Ấn Độ hẳn là một trong những người hạnh phúc nhất hành tinh. Ông chính là tác giả của khu rừng nhiệt đới 550 ha, rộng hơn cả Công viên Trung tâm 340 ha ở New York. Đây là kết quả của việc mỗi ngày trồng một cây xanh trong hơn 40 năm. Khu rừng ông tạo ra là nơi trú ngụ của hổ Bengal, tê giác Ấn Độ, và được một đàn voi hơn 100 con ghé thăm mỗi năm. Việc trồng rừng của ông còn cứu cả Majuli, hòn đảo trên sông lớn nhất thế giới khỏi bị chìm do xói lở vì mất rừng.

Lúc này, ở Việt Nam dường như đang có một chiến dịch toàn dân cứu trợ lũ lụt thu hút rất nhiều nguồn lực. Riêng ca sĩ Thủy Tiên đã quyên góp được 150 tỷ - số tiền kỷ lục mà một cá nhân có thể kêu gọi được. Với đà này, các đợt thiên tai sau, Tiên có thể sẽ thu hút được số tiền khủng hơn nữa? Và cô hẳn sẽ vẫn tiếp tục lao vào bão lũ bất chấp hiểm nguy có thể ngày một tăng do tình trạng biến đổi khí hậu? Nhưng xét cho cùng, cứu trợ có hoành tráng đến mấy cũng sẽ vẫn chỉ là cứu trợ, chạy theo thiên tai một cách bị động. Và không khắc phục được thiệt hại về người.

Từ thành phố rừng Bruxelles, Bỉ với 8.000 ha cây xanh bao gồm rừng ngoại vi lớn nhất châu Âu, nhà thơ Quỳnh Iris de Prelle (tác giả tập Biến đổi khí hậu) đề xuất: “Tiên nên là Đại sứ Chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam cho một tổ chức quốc tế hoặc trong nước. Bão lũ xong, số tiền còn lại có thể giúp các tỉnh miền Trung trồng rừng đầu nguồn, mua cây, trồng cây với sự hỗ trợ của các chuyên gia, kết hợp nhân dân và nhà nước cùng làm. Việc trồng rừng đầu nguồn sẽ có lợi ích lâu dài và bền vững. Nếu không chúng ta lại tiếp tục bao nhiêu năm nữa, đi cứu lũ bập bùng thế này”... Sử dụng tiền quyên góp là việc cần hết sức cân nhắc nhưng nếu Tiên dùng tiền cứu lũ đi phòng lũ hay phòng hạn mặn cũng rất có lý, chắc những người giao tiền cho cô cũng đồng ý. Tháng Ba năm nay, Thủy Tiên và chồng cũng quyên được hơn 15 tỷ giúp bà con miền Tây chống chọi với hạn hán và ngập mặn.

Thực ra đồng nghiệp của Tiên kịp trồng rừng rồi. Tháng 8 và 10 vừa qua, Hà Anh Tuấn đã trồng một rừng mai anh đào 1.500 cây tại Lạc Dương, Lâm Đồng và cánh rừng tiếp theo gồm nhiều loại cây bản địa trên diện tích 2.500m2 tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Anh lập hẳn dự án Rừng Việt Nam để lo việc này. Thông tin từ Hạnh Phúc Xanh- một dự án khác của quỹ Sống (tiền thân là Nhà Chống Lũ): Từ tháng 12/2018 đã trồng 7.700 cây nội đô Hà Nội, 5.100 cây dương tại Hội An, Quảng Nam và 10.000 cây bần cửa biển tại Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Trong năm 2020, Hạnh Phúc Xanh với sự đồng hành của các doanh nghiệp xanh có kế hoạch xây dựng ba công viên, trồng 50.000 cây ngập mặn, tái tạo 20ha rừng tự nhiên…

Cứu rừng lúc này khác nào cứu người, cứu mình, cứu cả những đời sau! Việc trồng rừng nếu được nhà nước và nhân dân phối hợp một cách hiệu quả, chắc chắn sẽ giảm bớt thiệt hại do bão lụt gây ra và tương lai sẽ đi đến chấm dứt chuỗi ngày toàn dân hành quân đi cứu lũ tắc cả đường. Đâu phải cứ “chờ” đến thiên tai mới có dịp thể hiện tinh thần tương thân tương ái!
MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.