Hiến kế Bầu chọn Vịnh Hạ Long hiệu quả

Hiến kế Bầu chọn Vịnh Hạ Long hiệu quả
TPO - Chỉ hơn 30 giờ nữa, kết quả bầu chọn kì quan thế giới mới sẽ được công bố. Vịnh Hạ Long có nằm trong “bảng vàng” 7 kì quan thiên nhiên thế giới hay không đang là một ẩn số đầy thách thức.
Hiến kế Bầu chọn Vịnh Hạ Long hiệu quả ảnh 1

Tiền Phong Online xin giới thiệu bài viết của Th.s Phan Hoài Nam - UV TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bí thư Đoàn TN Tập đoàn VNPT hiến kế bình chọn cho Vịnh Hạ Long.

"Là một công dân Việt Nam, một đoàn viên TNCS HCM, người viết xin được mạn phép hiến kế một cách làm hiệu quả trong tình thế cấp bách hiện nay…

Với cách làm theo sáng kiến này, ngay trong ngày 9-11, Đoàn TN Tập đoàn VNPT sẽ cùng với Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp trong Khối đóng góp kinh phí để triển khai chương trình nhắn tin tập trung, dự kiến thu được khoảng 100.000 tin nhắn đầu tiên từ việc triển khai hệ thống nhắn tin tập trung này. Chương trình nhắn tin tập thể, tập trung sẽ được tổ chức tại trụ sở Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương vào chiều ngày 10-11-2011.

Lòng tự hào dân tộc bị thử thách

Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của hoạt động Bình chọn Vịnh Hạ Long. Điều đáng tự hào là người dân khắp mọi miền đất, mọi thành phần, nghề nghiệp, lứa tuổi đã rất trách nhiệm, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc và và mong muốn truyền đi một thông điệp đến cộng đồng thế giới về một di sản thiên nhiên tuyệt mỹ của Việt Nam.

Phong trào bình chọn đã trở nên rất sôi nổi, rộng khắp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm nâng cao số phiếu bầu cho vịnh Hạ Long. Các chương trình ca nhạc, hội thảo, Cầu truyền hình trực tiếp “Hạ Long thần tiên”, Ngày hội nhắn tin của tuổi trẻ… diễn ra rầm rộ tại khắp các địa phương trong cả nước.

Vậy trong thời điểm nước rút, cần phải làm thế nào để việc bầu chọn này đạt hiểu quả tối ưu? Một người bạn đã so sánh kết quả bầu chọn được tổ chức rộn ràng tại Hội trường một trường Đại học có sức chứa 1.000 người nhưng thu được khoảng 750 tin nhắn bầu chọn (kết quả khá cao), cũng chỉ tương đương giá trị bằng một thẻ cào mệnh giá 500.000đ mà anh ta có thể sẵn sàng tài trợ.

Sự so sánh đó có điều gì đấy chưa hay nhưng rõ ràng, trong giai đoạn nước rút, chúng ta cần huy động tối đa mọi sự ủng hộ và nguồn lực. Lúc cấp bách, cần có cả những cách làm đột phá….

Điều gì sẽ xẩy ra nếu chúng ta bị bật ra khỏi danh sách 7 kì quan thế giới mới? Điều gì sẽ xảy ra sau bao nhiêu nỗ lực, cố gắng và hy vọng mãnh liệt của đồng bào, chiến sĩ cả nước và cả cộng đồng xã hội?

Đỗ vỡ, phũ phàng…đó không còn là một cuộc chơi được - mất, thắng - bại thông thường mà là danh dự, là vị thế, là lòng tự hào, niềm kiêu hãnh của dân tộc bị tổn thương ….

Không, nhất quyết không thể được để điều đó xảy ra!.

Hãy để con tim lên tiếng!

Trong thời điểm gấp rút hiện nay, bên cạnh các giải pháp đồng bộ, cấp bách đang được đồng bào, chiến sĩ cả nước triển khai như tổ chức các chương trình Ngày hội nhắn tin, ca nhạc, vận động cộng đồng mạng xã hội, truyền hình trực tiếp…tôi xin hiến kế một cách làm trực tiếp và hiệu quả, đấy là việc tổ chức nhắn tin tập thể, tập trung có sự hỗ trợ của công nghệ.

Theo đó, để vượt lên và bứt phá, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, mạnh thường quân triển khai quyên góp bình chọn Vịnh Hạ Long. Sau khi có số tiền quyên góp cụ thể, mỗi đơn vị có một sim điện thoại được nạp tài khoản bằng đúng số tiền do các tổ chức, tập thể, cá nhân ủng hộ đóng góp.

Với sự hỗ trợ của kỹ thuật, công nghệ, Đoàn TN VNPT sẽ thực hiện quy trình chuyển toàn bộ số tiền này sang tin nhắn về đầu số 147 để bình chọn cho Vịnh Hạ Long. Số liệu tin nhắn sẽ được báo cáo, thống kê, kiểm soát có xác nhận bởi các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và truyền thông.

Để đánh giá hiệu quả của cách làm này, xin hãy so sánh qua 02 ví dụ sau:

Ví dụ 1:

Tình huống 1: Tại một công ty về du lịch có 200 nhân viên. Sáng thứ 2, Ban Lãnh đạo công ty quyết định triệu tập toàn bộ cán bộ công nhân viên, tổ chức nhắn tin Bình chọn Vịnh Hạ Long. Sau khi Ban Lãnh đạo công ty lên sân khấu nhắn tin trước, 200 cán bộ công nhân viên phía dưới đồng loạt giơ điện thoại lên và nhắn tín Bình chọn. Có người nhắn 1 tin, có người nhắn 2 tin, có người trách nhiệm thì nhắn đến tin thứ 3, thứ 5. Trong khi đó, cũng có 1 số ít người giơ điện thoại lên nhưng không nhắn hoặc nhắn tin nhưng không gửi đi. Sau hơn 1 tiếng đồng tổ chức, chương trình cũng kết thúc với kết quả thu được như sau:

- Chi phí tổ chức sự kiện ( hoa, nước, băng rôn, khẩu hiệu, bồi dưỡng văn nghệ, chế độ đại biểu và báo chí (nếu có): khoảng 10 triệu.

- Số lượng tin nhắn ủng hộ chương trình: Trung bình 3tin/ người x 200 người = 600 tin nhắn

- Giá trị ủng hộ toàn bộ chương trình: 600 tin nhắn x 630 đồng = 378.000 đồng.

- BTC không kiểm soát được chính xác số lượng tin nhắn của buổi lễ và của từng cá nhân.

Tình huống 2: Tranh thủ cuộc họp chuyên môn, Ban Lãnh đạo công ty giới thiệu về ý nghĩa của Chương trình Bình chọn Vịnh Hạ Long và tác động trực tiếp đến hoạt động công ty và thu nhập người lao động (làm về du lịch). Ban Lãnh đạo công ty tổ chức quyên góp tiền để ủng hộ chương trình nhắn tin Bình chọn VHL. Người ít người nhiều, có người ủng hộ 20.000đ, 30.000đ, có người ủng hộ 50.000đ, 100.000đ. Cá biệt có có người ủng hộ trên 200.000 đ. Trên cơ sở số tiền quyên góp, công ty sẽ triển khai theo hình thức nhắn tin tập thể, tập trung. Kết quả thu được như sau:

- Chi phí tổ chức: không mất chi phí, tiết kiệm được khoảng 10.000.000 đồng

- Số tiền quyên góp ủng hộ: Bình quân 50.000đ/ người x 200 người = 10.000.000 đồng.

- Số tin nhắn ủng hộ chương trình: (10.000.000 + 10.000.000)/ 630 đồng/tin nhắn = 31.746 tin nhắn ủng hộ.

-> Con số 600 so với 31.746 tin nhắn cũng đáng suy ngẫm...

Ví dụ 2:

Tình huống 1: Doanh nhân ABC (Ca sĩ, diễn viên, Mạnh Thường quân…) tham gia chương trình nhắn tin ủng hộ Bầu chọn VHL. Với khả năng tài chính và nguyện vọng đóng góp rất lớn nhưng phải thao tác qua tin nhắn. Kết quả, mặc dù rất kiên nhẫn, ông ta chỉ nhắn được 20 tin nhắn ( ít thời gian). Kết quả:

- 20 tin nhắn x 630 đồng = 12.600 đồng.

- Tâm lí rất không thoải mái không thực hiện được ước nguyện trong khi khả năng đóng góp, hỗ trợ có thể gấp 100 - 1.000 lần.

Tình huống 2: Doanh nhân ABC ủng hộ cho chương trình 30.000.000 đồng. thông qua giải pháp nhắn tin tập trung có sự hỗ trợ của công nghệ (ủy quyền cho đại diện hoặc tổ chức xã hội thực hiện giám sát). Số liệu tin nhắn sẽ được báo cáo, thống kê, kiểm soát có xác nhận bởi các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và truyền thông. Kết quả:

- Số lượng tin nhắn: 30.000.000 đồng/630 đồng/tin = 47.619 tin nhắn.

- Thoải mái tâm lí. Thậm chí có người còn có khả năng đóng góp cao hơn.

-> Con số 20 tin so với 47.619 tin cũng đáng suy ngẫm…

Qua 2 ví dụ trên có thể thấy:

1. Sự khác biệt giữa 2 cách làm: một cách thiên về hình ảnh, phong trào, một cách thiên về hiệu quả, kết quả. Đáng suy ngẫm là cách làm thiên về hình ảnh, phong trào đang là cách thức phổ biến hiện nay. Chúng ta trân trọng cách làm truyền thống đã mang lại kết quả tích cực, giúp Vịnh Hạ Long lọt vào top 10 kì quan thế giới mới nhưng trong giải pháp tình thế, cấp bách hiện nay, cần phải ưu tiên lựa chọn giải pháp thứ 2 nhiều hơn.

2. Giải pháp kỹ thuật và ý tưởng do Đoàn VNPT đưa ra mang tính chất hỗ trợ thao tác nhắn tin thủ công của người dân và góp phần minh bạch hóa sự ủng hộ, tham gia chương trình. (Trên cơ sở trao đổi với Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Việc này không vi phạm quy chế vì một cá nhân (hoặc một số điện thoại) có thể nhắn tin nhiều lần, không hạn chế số lượng, vì kết quả nhắn tin có phát sinh cước.

3. Về cơ chế, quy trình và cách thức thực hiện của chúng ta chưa huy động được hết tiềm năng, sự ủng hộ, đóng góp của cộng đồng xã hội cho việc bầu chọn Vịnh Hạ Long. Trong khi quy định không giới hạn số lần đối với 1 người, một đầu số thì cách thức vận động triển khai chưa có các hình thức linh hoạt, hỗ trợ người dân. Đặc biệt những người muốn đóng góp, ủng hộ nhiều. Chính vì thế, Hãy phá bỏ tất cả rào cản để toàn thể cộng đồng xã hội được thể hiện tình yêu, lòng tự hào về quê hương đất nước. Hãy để những con dân đất Việt được quyền khẳng định và cống hiến cho dải đất hình chữ S thân thương này.

Thời hạn bình chọn chỉ còn được tính bằng giờ, bằng phút…

Xin hãy nhịn một lon bia để có thể ủng hộ được 10 tin nhắn

Xin hãy bỏ qua một chương trình xem phim, ca nhạc, đá bóng…để có thể ủng hộ được 100 tin nhắn

Xin hãy cắt giảm một món quà sinh nhật cho bạn bè, người thân để có thể ủng hộ được 1.000 tin nhắn

Xin hãy tiết kiệm một buổi tiếp khách để có thể ủng hộ được 10.000 tin nhắn

Xin hãy tiết giảm một khoản nhỏ đầu tư công nào đó không hiệu quả để có thể ủng hộ hàng triệu tin nhắn…

Xin hãy làm một điều gì đó cho đất nước trước khi không còn cơ hội….

Ngay từ bây giờ, các cơ quan, tập, thể, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các cá nhân trong và ngoài nước hãy thể hiện tình yêu và trách nhiệm của mình đối với di sản thiên nhiên của đất nước bằng việc quyên góp kinh phí và thiết lập các điểm tiếp nhận ủng hộ nhắn tin bầu chọn Vịnh Hạ Long ngay tại đơn vị mình.

Sau khi có kết quả, các đơn vị có thể triển khai nhắn tin tập trung ngay tại đơn vị mình hoặc gửi về các điểm tiếp nhận ủng hộ nhắn tin Bầu chọn Vịnh Hạ Long mà Đoàn VNPT đang đề xuất TW Đoàn thiết lập gấp trong ngày 10-11-11-2011.

Tại các điểm tiếp nhận ủng hộ chương trình Bình chọn Vịnh Hạ Long, người dân có thể có 02 hình thức ủng hộ: bằng tiền mặt hoặc bằng số lượng tin nhắn trên số thuê bao của mình với tất cả các mạng điện thoại di động (VinaPhone, MobiFone, Vietel). Tuổi trẻ VNPT khắp mọi miền đất nước sẵn sàng hỗ trợ về giải pháp công nghệ để tin nhắn bình chọn đến được với tổng đài 147 nhanh nhất, dễ nhất và hiệu quả nhất.

Th.s Phan Hoài Nam
UV TW Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam
Bí thư Đoàn TN Tập đoàn VNPT

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.