Hiểm nghèo của thông minh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trên cả nước phổ cập điện thoại thông minh đến từng hộ gia đình. Cụ thể, khoảng 1.800 hộ nghèo, cận nghèo tại thành phố này sẽ được hỗ trợ mỗi hộ 2 triệu đồng để xóa điện thoại cục gạch, trước thời điểm cả nước sẽ không còn dùng sóng 2G từ tháng 9 tới đây.

Năm 1956, nhân loại tự hào khi phát minh ra ổ đĩa cứng đầu tiên cho máy tính. Ổ cứng này chiếm diện tích tới 1,5m2, to như chiếc tủ lạnh, nặng gần 1 tấn, với chi phí sử dụng mỗi tháng 28.000 USD! Nhưng cả cái khối thiết bị to vật vã ấy chỉ có thể lưu trữ được… 5MB dữ liệu, bằng đúng 1 bức ảnh chụp điện thoại ngày nay. Còn giờ đây, chỉ sau mấy chục năm, một chiếc IPhone nhét túi quần đã chứa được dung lượng gấp 105.000 lần như vậy!

Loài người xa xưa phải mất hàng triệu năm mới tiến được từ thời đồ đá sang thời kỳ đồ đồng, đồ sắt. Còn giờ đây, chỉ trong vòng vài chục năm chúng ta đã có thể tranh giành từng phần lãnh thổ trên mặt trăng và các hành tinh, có thể biến một khối thiết bị nặng hàng tấn chỉ còn gọn nhẹ bằng sợi tóc. Cứ theo đà tiến vũ bão ấy, con người hẳn sẽ tiến hóa và thông minh gấp vạn lần xa xưa. Nhưng có phải vậy không, hay ngược lại?

Chúng ta giờ có thể điều khiển cả vũ trụ, nhưng thực ra cũng chính loài người đang trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Ngày thứ Sáu 19/7 mới đây, chỉ với một lỗi về phần mềm CrowdStrike trên hệ điều hành Windows, mà hàng loạt hãng hàng không, ngân hàng, bệnh viện, các tổng đài khẩn cấp, hệ thống bán lẻ… trên thế giới bị ngưng trệ hoàn toàn bởi máy tính không hoạt động, may chưa xảy ra thảm họa về nhân mạng. Nó nhắc đến sự cố Y2K khiến thế giới náo loạn như ngày tận thế, chỉ vì máy tính nhầm lẫn cách ghi thời gian từ năm 1999 sang năm 2000. Khiến tất cả giật mình nhận ra, rằng hạ tầng công nghệ thế giới đang mỏng manh hơn chúng ta tưởng, mà như phân tích của chuyên gia, là do chúng ta làm cho hệ thống ấy ngày càng trở nên phức tạp.

Siêu máy tính bây giờ có thể xử lý tới một tỷ tỷ phép tính trong một giây, thì chỉ với một phần của tỷ tỷ ấy bị lỗi, hoặc một đoạn mã vô danh nào đó bị hóc, điều gì sẽ xảy ra? Trước mọi tiện nghi công nghệ được trang bị đến tận tế bào cơ thể, mỗi chúng ta gần như chỉ biết hưởng thụ, mà phó mặc an nguy của cả hành tinh này cho máy móc.

Tất nhiên chỉ có kẻ điên mới phủ nhận những thành tựu vĩ đại của khoa học công nghệ, đã mang lại bao phép màu thần thánh cho loài người. Nhưng chúng ta liệu đang để cho trí thông minh, sáng suốt của mình ngủ quên, và phó mặc hết cho sự thông minh của rô bốt?

Con người bằng một cách thủ công nhất, tốn kém tiền bạc lẫn công sức nhất mới có thể thỏa khát vọng được tự mình hành hương đến đất thánh, hoặc trực tiếp nhìn thấy thần tượng của mình. Như chuyến lưu diễn của Taylor Swiff đang càn quét châu Âu, mà chỉ một buổi diễn tại Đức mới đây có tới 74.000 fan đứng chật cứng sân bóng, cùng nửa vạn người không vé đứng phủ kín các ngọn đồi xung quanh ngóng vào. Hình bóng thần tượng trong tầm quan sát của hầu hết đám đông ấy chỉ bé bằng đầu tăm. Nhưng đó chính là cảm xúc, mà chỉ người mới có.

Chất người ấy sẽ giúp vá lỗi cho cả một thời đại đầy hiểm nghèo này chăng?

MỚI - NÓNG