Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Gia Lai, trên địa bàn hiện có 45 cầu treo phục vụ giao thông. Mặt cầu chủ yếu làm bằng gỗ, tấm thép, tấm ván, chủ yếu phục vụ người dân đi bộ, xe đạp, xe máy.
Hiện còn nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác duy tu bảo dưỡng cầu treo, hàng năm không bố trí kinh phí để duy tu, sửa chữa hư hỏng. Công tác quản lý, kiểm tra cầu thực hiện còn lơ là hoặc không thực hiện, dẫn đến các hư hỏng không được sửa chữa, khắc phục kịp thời, ảnh hưởng đến an toàn giao thông cho người và phương tiện lưu thông qua cầu.
Điển hình là cầu treo làng Tung Ke (huyện Chư Sê), cầu treo xã Đông (huyện Kbang), cầu treo làng Goòng (huyện Chư Prông), cầu treo Đe Toak (huyện Mang Yang), cầu treo Đắk Joh (huyện Đắk Đoa), cầu treo Biển Hồ (TPPleiku).
Một số địa phương còn xảy ra tình trạng để người dân sử dụng cầu treo tự phát, cầu treo không đảm bảo an toàn, nguy cơ xảy ra tai nạn cao; cầu treo Chơ Rơng 2 (xã Đắk Ta Ley, huyện Mang Yang) và 3 cầu treo tại xã Hà Tây, huyện Chư Păh.
Cầu treo tự phát Chơ Rơng 2, xã Đắk Ta Ley hỏng nặng
Theo ghi nhận của PV, cầu treo làng Chơ Rơng 2 dài khoảng 40m, rộng hơn 1,5m. Phần mặt cầu được lót bằng ván gỗ, hai thành cầu được làm bằng tre nứa. Nhiều vị trí thành cầu đã bị mục gãy. Đáng nói, dây cáp treo chỉ được cố định vào những thân cây đường kính khoảng 25cm ở hai bờ sông, không có trụ bê tông hay cột sắt. Bên dưới cầu treo là trăm hòn đá lớn nhỏ, nếu ngã sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Anh Gíp (SN1982, làng Chơ Rơng 2, xã Đắk Ta Ley) cho biết, cầu treo này đã có “Từ khi mình sinh ra”. Hàng năm cầu được sửa 2 lần, tiền do người dân đóng 20 nghìn đồng/hộ để sửa, gia cố lại. Cầu treo phục nhu cầu đi lại cho hàng trăm hộ dân thuộc 3 làng Đắk Ve, Chơ Rơng 1 và Chơ Rơng 2 (đều thuộc xã Đắk Ta Ley) có 300 ha đất sản xuất phía bên kia cây cầu. Mỗi ngày, hàng trăm lượt người cùng trâu bò đi qua cây cầu treo này. Đã có nhiều người, bò rơi từ cầu treo xuống nhưng may mắn chỉ bị thương.
“Gia đình mình có 2 ha gồm cà phê bên kia cầu treo nên hàng ngày phải đi qua ít nhất 2 lần. Những ngày thu hoạch phải đi qua hơn 30 lượt để vận chuyển hàng hoá bằng xe máy từ rẫy qua cầu treo, sau đó thương lái sẽ đến mua. Những trận lũ về người dân không dám qua lại cây cầu vì nguy cơ cầu gãy” – Anh Gíp nói.
Một cán bộ UBND xã Đắk Ta Ley cho biết, đây là cầu dân sinh do người dân tự làm. Hàng năm vào những đợt mưa lũ, địa phương đều treo biển cảnh báo nguy hiểm không cho người dân qua lại khi nước chảy xiết. Địa phương đã kiến nghị xây cầu mới để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đang đợi ý kiến của cấp trên.
Hiện Sở GTVT tỉnh Gia Lai đã có báo cáo đề xuất UBND tỉnh hàng năm trích kinh phí hỗ trợ các huyện gặp khó khăn để thực hiện sửa chữa các hư hỏng của cầu treo nhằm đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện khi lưu thông.