Mô hình “rước bà hỏa”
Theo Cảnh sát PCCC TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã xảy ra 666 sự cố liên quan đến cháy nổ làm 20 người chết, 30 người bị thương. Địa điểm xảy ra cháy nổ nhiều nhất là nhà dân kết hợp kinh doanh. Tình hình cháy nổ tại nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp kinh doanh diễn biến phức tạp và luôn chiếm tỉ lệ cao cả về số vụ và thiệt hại tài sản.
Trên địa bàn TPHCM hiện có 1.816 cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu. Tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, quận 12, Bình Tân… Trong đó, nhiều cơ sở kinh doanh, tái chế phế liệu hoạt động không giấy phép, những cơ sở này được ví như các “quả bom” nổ chậm, khiến những hộ dân xung quanh không khỏi lo lắng. Những cơ sở này chất hàng hóa chật kín từ dưới đất lên đến nóc.
Ghi nhận của phóng viên tại các con phố đông đúc ở trung tâm TPHCM cho thấy, hàng loạt nhà dân tận dụng mặt bằng tầng trệt để kinh doanh, thậm chí chất hàng hóa bít lối đi. Những quả “bom nổ chậm” như cửa hàng kinh doanh gas, thu mua phế liệu, ve chai mọc lên san sát, nằm lẫn trong khu dân cư đông đúc tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ bất cứ lúc nào. Những căn nhà kết hợp kinh doanh chất đầy hàng hóa dễ cháy từ bìa các-tông đến chai lọ, thậm chí bình gas được gom về chất đống. Người phân loại ve chai vô tư hút thuốc, cắt bình gas cũ… ngay trước cửa khiến những người xung quanh không khỏi rùng mình.
Đại tá Trần Thanh Châu, PGĐ Cảnh sát PCCC cho biết, những căn nhà ở kết hợp kinh doanh rất dễ cháy và khi xảy ra sự cố cháy nổ thì nguy cơ chết người rất lớn. “Nhà ở kết hợp với kinh doanh, nguyên nhân cháy do điện chiếm tỷ lệ cao, khoảng 72%. Phổ biến nhất là chủ hộ, chủ cơ sở vi phạm quy định trong việc lắp đặt, sử dụng thiết bị điện, thiết bị tiêu thụ điện một cách tùy tiện”, đại tá Châu nói.
Đại tá Châu dẫn chứng vụ cháy làm cả gia đình 3 người chết tại căn nhà cấp bốn trên đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TPHCM vào cuối năm 2016. Căn nhà chỉ có một lối ra là cửa chính nhưng có đến 2 lớp cửa kiên cố. Bên trong hàng hóa chất kín mít, chỉ chừa một lối đi khoảng 1m. Vì vậy, khi xảy ra cháy từ bên ngoài, những người bên trong không có lối nào khác để chạy thoát dẫn đến tử vong. Tương tự, vụ cháy làm 6 người trong gia đình chết trong đêm ở đường Lê Văn Sỹ, quận 3 hay vụ cháy 4 người chết ở phường Tân Tạo, quận Bình Tân cũng tận dụng tầng trệt để kinh doanh.
Không chỉ tận dụng mặt tầng trệt để kinh doanh, mặt tiền các căn nhà ở TPHCM cũng bị bịt kín bởi biển quảng cáo, hàng rào sắt chống trộm, nếu xảy ra cháy nổ không có lối thoát. Bên cạnh đó, theo đại tá Châu, nguyên nhân dẫn đến cháy nổ là do ý thức chấp hành các quy định về an toàn PCCC không cao, người dân còn chủ quan, lơ là, xem nhẹ công tác an toàn cho chính bản thân và gia đình.
“Thần chết” luôn rình rập
Không chỉ nguy cơ cháy nổ từ nhà ở kết hợp kinh doanh, người dân TPHCM còn nơm nớp lo sợ với những “quả bom” gas, nhiều vụ cháy do hàn xì thiêu rụi tài sản và đe dọa tính mạng, sức khỏe của những người xung quanh.
Ghi nhận của PV Tiền Phong, trên địa bàn quận Tân Phú, TPHCM có nhiều đại lý gas nằm án ngữ ngay trong khu dân cư; các tiệm sắt, sửa chữa xe máy, hàn tiện sử dụng hàn gió đá thiếu an toàn nằm nhan nhản trên nhiều tuyến đường gây bất an cho người dân sống cạnh đó.
Cả năm nay, hàng chục hộ dân đường S7, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú Nhuận, luôn nơm nớp lo sợ bởi hàng trăm bình gas loại lớn chất từ trong nhà ra vườn của cửa hàng gas bên cạnh. “Không cần biết họ có giấy phép sang chiết gì không nhưng cửa hàng với hàng trăm bình gas chất đống nằm sát vách nhà mình thì không ai yên tâm được. Ai mà biết nó nổ lúc nào? Mỗi lần nghe các bình gas va vào nhau mà cả nhà đứng ngồi không yên. Với số lượng bình gas cỡ “khủng” như vậy, nếu chẳng may xảy ra cháy nổ thì toàn bộ chục căn nhà xung quanh đại lý gas sẽ tan tành”, anh Lĩnh (nhà kế bên cửa hàng gas) lo lắng.
Theo ghi nhận, đại lý gas này luôn tấp nập cảnh vận chuyển gas từ sáng đến chiều tối. Thợ giao bình gas dùng xe máy chở chạy bạt mạng, ai cũng khiếp vía. “Chúng tôi đã gửi đơn và lên trực tiếp UBND phường Tây Thạnh để phản ánh nhưng phường cho biết đại lý này có giấy phép kinh doanh, nơi này cũng không sai phạm gì để phải kiểm tra. Tuy nhiên, theo tôi thấy đại lý này không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, nhiều lần tôi vào hẳn đại lý để quan sát cũng không thấy gì ngoài những quả bom gas”, ông Thành sống gần đó, nói.
Không chỉ lo sợ những quả “bom” gas, một số tiệm hàn kim loại, sửa pô xe sử dụng bình hàn gió đá cũng khiến người dân sống cạnh như ngồi trên lửa. Tại tiệm “chuyên hàn gió đá, hàn tiện, làm đồng, móc pô, hàn nhôm” trên đường Bình Long phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, sâu trong góc nhà, một người thợ đang hì hục cầm dùi hàn gí vào pô xe, lửa văng tung tóe. Phía ngoài tiệm này còn một bình gió đá loại lớn. Mỗi khi hàn xì, người này cầm bật lửa mồi vào dùi hàn phát ra tiếng “phựt, phựt”, khói đen xì bay mù mịt.
Cách đó chừng vài chục mét, bên kia đường là thợ của hai tiệm kỹ nghệ sắt cũng dùng dùi hàn gió đá “chấm” liên tục để cắt hoặc nối các mối sắt lại với nhau, lửa phựt lên sáng rực. Gần đó, có nhiều bình gió đá và nhiều vật dụng khác nằm ngổn ngang dưới nền đất. “Hàn gió đá như vậy không chỉ gây ồn ào mà còn rất dễ xảy ra cháy nổ. Hơn nữa, hằng ngày ở mấy tiệm hàn xì có nhiều người cột bình gas, bình gió đá để nằm ngang trên xe máy chạy loạn xạ rất nguy hiểm cho người đi đường” – bà Minh sống gần khu vực này lo lắng.
Thời gian qua, nhiều vụ cháy nổ liên quan đến hàn xì, sang chiết gas khiến nhiều nhà dân bị thiêu rụi, nhiều người bị thương. Mới đây nhất, khoảng 11h ngày 27/7, trong lúc làm việc tại cửa hàng sửa chữa điện lạnh trên đường Lê Văn Lương, phường Tân Quy, quận 7, TPHCM, một thợ hàn bất cẩn để tia lửa bắn vào các vật liệu dễ cháy, khiến 3 căn nhà bị thiêu rụi cùng nhiều tài sản.
Trước đó, ngày 1/5, người dân sống ở hẻm 230, Lâm Thị Hố, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, giật mình bởi tiếng nổ lớn phát ra từ một căn nhà trong hẻm. Chạy qua kiểm tra phát hiện hai người bị thương nặng, mọi người đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Lực lượng chức năng có mặt điều tra phát hiện căn nhà này dùng làm nơi sang chiết gas lậu. Nguyên nhân gây cháy nổ do chủ nhà sang chiết gas gây rò rỉ rồi dùng máy sấy tóc để dán nhãn hiệu vào van bình gas gây nổ.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, đang kiến nghị với Bộ Công an và UBND TPHCM cần phải có những tiêu chí quy định riêng về nhà ở kết hợp kinh doanh. Chẳng hạn, trong chế tài yêu cầu bắt buộc đối với hộ kinh doanh này phải lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm, trang bị bình chữa cháy, lắp đặt an toàn về hệ thống điện và yêu cầu an toàn về thiết bị tiêu thụ điện như thế nào.