Hết thời 'cả họ làm quan'

Hết thời 'cả họ làm quan'
Chủ trương bố trí bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương được kỳ vọng sẽ ngăn chặn tư duy dòng họ, đưa người trong nhà vào bộ máy để tạo lợi ích nhóm

Tại Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), một trong những giải pháp đột phá được đưa ra là triển khai nhất quán chủ trương bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương, khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, nhất là chủ tịch UBND.

Thời gian gần đây, ở một số địa phương, bộ, ngành phát hiện tình trạng "cả nhà làm quan", "cả họ làm quan" gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó là tình trạng người nhà nâng đỡ, ưu ái để bổ nhiệm "thần tốc" nhiều trường hợp. Mới đây nhất, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã kết luận ông Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, ưu ái con trai là ông Lê Phước Hoài Bảo khi bổ nhiệm vào nhiều vị trí chủ chốt mặc dù chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn.

Ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, tin tưởng việc nếu bố trí bí thư, chủ tịch không phải người địa phương sẽ làm giảm tình trạng "cả nhà làm quan", tư duy trực hệ, huyết thống như đang diễn ra ở một số nơi.

Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), cho biết quan điểm về lãnh đạo không phải là người địa phương đã từng được nêu trong các bộ luật của thời kỳ phong kiến, trong đó có Luật Hồi tị quy định không được làm quan tại nơi cư trú; quan không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một nơi.

Theo ông Phúc, việc bố trí bí thư không phải người địa phương sẽ hạn chế được quan niệm "cục bộ địa phương", "kết bè kéo cánh", đưa người nhà vào bộ máy để tạo lợi ích nhóm. Tư duy dòng họ, huyết thống sẽ không còn đất sống nếu đề án được thực hiện nghiêm.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nhìn nhận đây là bước đột phá. Là người làm công tác tổ chức nhiều năm, ông Thưởng đề xuất phải có cơ chế giám sát khâu thực hiện thật chặt chẽ thì mới phát huy được tối đa hiệu quả của các giải pháp trong đề án. Trong đó, giám sát quyền lực là quan trọng nhất, đồng thời phát huy vai trò giám sát của người dân.

PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nêu thực trạng nhiều cán bộ được luân chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, từ trung ương về địa phương luôn giữ tâm lý chỉ "đi tạm thời" hay "xuống để lên". Họ không chú tâm vào công việc được tổ chức giao mà chỉ lo bảo vệ "ghế" của mình. Vì vậy, mỗi cán bộ được luân chuyển, bổ nhiệm về địa phương thì tổ chức cần phải giám sát chặt chẽ, đánh giá hiệu quả công việc thường xuyên để tránh việc tha hóa khi nắm quyền lực trong tay. Ngoài ra, bản thân mỗi cán bộ cần tự giác với trách nhiệm mà tổ chức giao và trách nhiệm trước dân, trước Đảng.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc đánh giá thời gian qua, năng lực giám sát chưa tốt, nhiều sự việc tiêu cực rất rõ nhưng người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc đều chọn cách im lặng vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lực của mình. "Song song với việc đưa ra các quy định vào thực hiện thì cần áp dụng quy chế dân chủ, tăng cường giám sát thì mới ngăn chặn được tiêu cực" - ông Quốc kiến nghị.

Thêm điều kiện tích lũy kinh nghiệm

Trước những lo ngại về việc bí thư cấp ủy không phải là người địa phương sẽ khó nắm rõ tình hình thực tế nơi mình công tác, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc cho rằng đây lại là may mắn đối với cán bộ. "Từ địa phương khác chuyển đến, vị cán bộ đó sẽ có thêm điều kiện để tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, kinh nghiệm cơ sở, gây dựng mối gắn kết với người dân. Còn đối với tình hình địa phương đó, sẽ có bộ phận tham mưu cho cán bộ nên hoàn toàn có thể yên tâm" - ông Phúc phân tích.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.