Hết phong toả, dân Vũ Hán chưa thoát được những vết sẹo hằn sâu

Một phụ nữ mặc đồ bảo hộ y tế trong khi rửa xe ô-tô trên đường phố ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)
Một phụ nữ mặc đồ bảo hộ y tế trong khi rửa xe ô-tô trên đường phố ở Vũ Hán. (Ảnh: Reuters)
TPO - Mấy ngày nay, Li Xiali làm việc chăm chỉ tại đại lý xe hơi mà chị sở hữu ở Vũ Hán nhằm bảo đảm rằng chị có đủ nước khử trùng tay và đồ bảo hộ để dùng cho ngày công ty mở cửa trở lại.

Vũ Hán cuối cùng đã được dỡ phong toả từ hôm nay, giải phóng cho hàng triệu người bị hạn chế trong hơn 2 tháng, sau khi thành phố trung tâm công nghiệp của Trung Quốc trở thành tâm dịch COVID-19. 

Từ hôm nay, người dân Vũ Hán được phép ra khỏi thành phố bằng đường bộ, đường sắt và đường không, và các doanh nghiệp kinh doanh trong những ngành không thiết yếu được phép mở cửa trở lại. Người ta sẽ sớm biết cuộc sống sẽ như thế nào sau khi bỏ phong toả. 

Những cuộc nói chuyện với người dân như chị Li và nhiều người khác cho thấy mọi thứ không đơn giản. Nhiều người vẫn chưa thể vượt qua những vết sẹo của đợt dịch bệnh chứng kiến Vũ Hán đóng góp tới 61% trong tổng số hơn 81.000 ca bệnh của Trung Quốc. 

Một số người nhớ đến những tổn thất nặng nề vì công việc làm ăn phải dừng lại, nhiều người khác cho biết vẫn không dám ra ngoài vì sợ lây từ những người mang bệnh nhưng không có triệu chứng. 

Chưa rõ chính phủ Trung Quốc có kế hoạch gì để vực dậy thành phố, làm sao để tưởng nhớ điều mà người dân gọi là “đại hoạ”, và có nên buộc chính quyền thành phố phải chịu trách nhiệm nhiều hơn cho sự nghiêm trọng của dịch bệnh. Chính quyền Vũ Hán chưa đưa ra bình luận nào. 

“Khi nghe tin dỡ phong toả, tôi không thấy vui lắm. Thực ra tôi cảm thấy rất lo. Có rất nhiều vấn đề cần giải quyết: việc làm, các bệnh nhân phải gánh chịu ảnh hưởng sức khoẻ lâu dài. Và với những người đã chết, chung ta sẽ tưởng nhớ họ như thế nào?” Guo Jing, người phụ trách đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của những phụ nữ bị phân biệt đối xử ở nơi làm việc, nói với Reuters. 

Những nhắc nhở về cuộc chiến chống đại dịch ở Vũ Hán còn hiện diện khắp nơi. 

Những rào chắn cao vẫn bao vây nhiều khu chung cư, những tấm biển ở cửa ra vào yêu cầu mọi người trình màn hình điện thoại để xem đánh giá tình trạng sức khoẻ hay giấy xác nhận có lý do chính đáng để ra ngoài. Có ít bằng chứng cho thấy những hạn chế đó sẽ sớm được nới lỏng. 

Dù các nhà hàng và cửa hiệu đã mở cửa trở lại trên khắp Trung Quốc, hàng ngàn cửa hàng như vậy ở Vũ Hán vẫn đóng cửa. 

“Tất nhiên có những áp lực rất lớn”, chị Li nói. Chị cho biết mình còn may chán vì vẫn đủ khả năng trả lương cho nhân viên trong giai đoạn phong toả. 

Một lá thư của hơn 160 doanh nghiệp ngành du lịch khách sạn được đưa lên mạng từ tuần trước đề nghị chính quyền Vũ Hán hỗ trợ họ chi phí thuê nhà xưởng, vay nợ ngân hàng và trả lương nhân viên. Họ nói rằng dịch bệnh và những hậu quả sau dịch “đe doạ sự tồn vong” của hơn 80.000 doanh nghiệp. 

Hàng loạt sự kiện gặp mặt truyền thống năm mới bị huỷ sau khi lệnh phong toả được áp dụng từ ngày 23/1, gây tổn thất khoảng 1 tỷ nhân dân tệ cho các doanh nghiệp chỉ trong 1 ngày, bức thư viết. 
Bức thư nói rằng lòng tin của người tiêu dùng còn mất thời gian dài nữa mới khôi phục được. Nhiều người Vũ Hán cũng đưa ra quan điểm tương tự.
Kuang Li, một giáo viên tiếng Anh ở Vũ Hán, cho biết anh vẫn định tiếp tục ở nhà sau khi lệnh phong toả được dỡ bỏ. 

“Cá nhân tôi vẫn sợ virus, và tôi cảm thấy ngoài kia vẫn chưa an toàn”, Kuang nói. 

Những tổn thất tinh thần và kỳ thị xã hội mà các bệnh nhân đã hồi phục và người dân Vũ Hán phải chịu đựng vẫn là nỗi đau chưa thể quên. 

Người dân tìm nhiều cách khác nhau để sống qua giai đoạn phong toả. Một số người giết thời gian bằng những sở thích như nấu ăn, nhưng người khác tìm các thú vui trên mạng. Sợ hãi và bất lực là cảm xúc chung của nhiều người.

Du Mingjun thành lập dịch vụ tư vấn sức tâm lý trực tuyến từ khi Vũ Hán bắt đầu bị phong toả.

Du cho biết chị đã nhận được khoảng 2.300 cuộc gọi, kể cả từ các nhân viên y tế, nhưng chủ yếu là từ những người dân thường đang bị cách ly. Du cho biết chị sẽ tiếp tục duy trì dịch vụ này lâu hơn.

“Dù đại dịch có thể sắp kết thúc, nhưng với một số nhóm người, trấn thương mới chỉ bắt đầu”, chị nói. 

Theo Theo Reuters
MỚI - NÓNG