Ngày 11/11, Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng cho biết, trong sáng cùng ngày, tại khu vực bãi biển đoạn từ cửa sông Phú Lộc đến khu du lịch Xuân Thiều (quận Liên Chiểu) không còn xuất hiện tình trạng cá chết trôi dạt vào bờ.
Cũng theo Sở TN&MT kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ ngày 10/11 cho thấy, các thông số pH, oxy hoà tan (DO), Amoni (NH4), Phosphat, Cyanua... đều nằm trong giới hạn cho phép.
Sở TN&MT cũng đã thực hiện rà soát, đo đạc và phân tích một số thông số cơ bản các nguồn xả thải trên tuyến biển Liên Chiểu (các cửa xả ven biển, cửa sông Phú Lộc), qua đó khẳng định không có hiện tượng nước xả thải ra biển gây ô nhiễm vùng biển nêu trên.
Theo báo cáo của công ty Cổ phần Môi trường đô thị, số lượng cá chết đã được xác định và thu gom vào chiều ngày 10/11 là 952kg (không tính lượng cá người dân tự thu gom).
Người dân và nhân viên cứu hộ tại khu vực nêu trên cho rằng, tình trạng cá chết dạt vào bờ biển những ngày qua, có thể do việc nổ mìn đánh cá ngoài biển.
Trước đó vào tháng 11/2017, tình trạng cá chết trôi dạt vào bờ biển đã từng xảy ra ở khu vực này. Qua hình ảnh và thông tin do Sở TN&MT cung cấp, TS. Võ Văn Phú- Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Huế, nhận định, cá chết dạt vào bờ là loại cá mòi cờ chấm, sinh sống gần bờ và theo đàn nên có thể chết hàng loạt do đánh mìn.
Sở TN&MT cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục lấy mẫu, theo dõi chất lượng nước biển ven bờ đến ngày 12/11, đồng thời, đề nghị Sở NN&PTNT, BCH Bộ đội Biên phòng TP kiểm tra, xử lý nghiêm tình trạng nổ mình đánh cá trên biển.
Trước đó, như Tiền Phong thông tin, sáng 10/11, nhiều người dân phát hiện tình trạng cá chết dạt vào bờ biển Đà Nẵng (đoạn dọc đường Nguyễn Tất Thành). Số cá này bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm môi trường và gây khó chịu cho người dân và du khách.