Lấy phiếu để phấn đấu, rèn luyện
Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn quy định rõ Hội đồng nhân dân (HĐND) lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban của HĐND; Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Uỷ ban nhân dân.
HĐND lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm, các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.
Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét đánh giá cán bộ.
Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là bảo đảm quyền và đề cao trách nhiệm của đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; bảo đảm đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
“Người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo trung thực kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, kê khai tài sản, thu nhập cá nhân, những hạn chế, thiếu sót, phương hướng khắc phục và giải trình đầy đủ các nội dung mà đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND yêu cầu”, nghị quyết nêu rõ.
Khi nào thì bỏ phiếu tín nhiệm?
Nghị quyết cũng quy định rõ hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm: Nếu có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm.
Thường trực HĐNDtrình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu trong các trường hợp: Có kiến nghị của ít nhất 1/3 tổng số đại biểu HĐND; có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp”.
Về quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, Thường trực HĐNDsẽ trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu tại kỳ họp HĐND. Người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước HĐND.
Sau khi bỏ phiếu tín nhiệm với các mức độ “tín nhiệm”, “không tín nhiệm”, HĐND sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm.
Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó.