Hãy cứ đọc đi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm ngoái có cuộc tranh cãi về đạo thơ. Khá gay gắt. Tôi cũng “tham chiến” bằng một bài trên báo Văn nghệ. Nói rằng đến như những thi hào Nobel văn chương cũng từng bị kết tội “đạo thơ”, với cái “án” mang theo suốt đời.

Như Pablo Neruda (Nobel 1971) được phát hiện là "mượn" gần như nguyên vẹn bài số 30 trong tập Người làm vườn của Rabindranath Tagore. Rồi đến chính Tagore (Nobel Văn học năm 1913) cũng bị coi là “đạo thơ” của Hafez Shirazi - nhà thơ huyền thoại người Ba Tư (Iran) sáng tạo trước đó cả 900 năm. Gần 180 năm trước, bài thơ bất hủ The Raven (Con quạ) của Edgar Poe cũng chịu nhiều săm soi bàn cãi về "tội đạo thơ", kéo dài cho đến tận ngày nay...

Để thấy rằng nói về sáng tạo, về “tri thức nguyên bản/tri thức tự thân”, về việc trở thành “nhà tư tưởng khai nguồn” thì quá dễ, nhưng cũng lại cực khó như chính bạn làm sao có thể tự thân tạo ra được một điều gì đó thực sự độc sáng, thực sự nguyên bản. Mà tầm cỡ thiên tài thì cả thế kỷ cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhưng ngay chính họ cũng phải dẫm lên dấu chân người đi trước, hay nói một cách hình tượng là “đứng lên vai người khổng lồ”.

Cái gọi là “trọc phú kiến thức” cũng có tác dụng cảnh báo xã hội, đặc biệt là với giới trí thức. Ngưởi ta đã chỉ ra tình trạng nhiều giáo sư, tiến sĩ “chào đời” mỗi năm mà không một công trình gây tiếng vang. Nhiều kẻ có tên tuổi nhưng chém gió luôn thế chỗ cho hàm lượng khoa học, nghiên cứu và sự hiểu biết đích thực. Nhân loại không còn cách gì khác là luôn phải đứng lên vai tiền nhân để đi tiếp. Từ bác thợ sửa xe đến các nhà khoa học.

Cũng chẳng có tư tưởng/sản phẩm/tác phẩm độc sáng nào mà không dựa trên sự chiêm nghiệm, dày vò cá nhân, trên cơ sở tích lũy và nghiền ngẫm kiến thức, sách vở. Hành trình cộng sinh để tiến tới văn minh của loài người luôn là vậy. Chỉ khác là với bậc thiên tài, thứ ánh sáng mà họ tạo nên huy hoàng một cách đặc biệt, đủ sức soi rọi vượt thời gian.

Nên đi khuyên giải, bày vẽ nhau về việc làm sao để trở thành “thiên tài” với các tri thức độc sáng/tự thân bằng cách xem nhẹ việc đọc sách, để làm gì, trong khi đại đa số người Việt, kể cả bộ phận trí thức giờ vẫn ít chịu đọc sách? Đôi vai khổng lồ nào chịu chìa ra, cuộc sống nào chịu cung cấp miễn phí những “mảnh ghép” cho những người ấy? Và thời buổi này mấy ai còn ảo tưởng rằng mọi thứ chém gió trên mạng xã hội đều là kiến thức, tri thức. Những thứ cóp nhặt cắt dán làm sao che mắt được thiên hạ.

Hiện tại, không chỉ với giới sáng tạo, mà ngay cả người thưởng thức/thụ hưởng nghệ thuật chẳng hạn, cũng cần phải đọc, phải học nhiều mới theo kịp. Đó mới là điều tối cần kíp trước thực trạng thờ ơ với sách vở, tri thức đặc biệt là ở giới trẻ hiện nay. Trước khi độc sáng, hãy là độc giả.

MỚI - NÓNG