Hậu sự cố nước sạch sông Đà: Người dân vẫn lấn cấn dùng nước tại vòi

Người dân Khu chung cư HH Linh Đàm hiện vẫn mua nước tinh khiết tại siêu thị, cửa hàng tạp hóa để sử dụng cho ăn uống ảnh: Long Vân
Người dân Khu chung cư HH Linh Đàm hiện vẫn mua nước tinh khiết tại siêu thị, cửa hàng tạp hóa để sử dụng cho ăn uống ảnh: Long Vân
TP - Sau thông báo nguồn nước sạch sông Đà đã an toàn, nhiều gia đình ở Hà Nội vẫn chưa dám dùng để ăn uống, nhiều nơi đã tự lấy mẫu nước đem đi kiểm nghiệm, hoặc đề ra kế hoạch kiểm tra định kỳ hàng năm.

Chỉ dùng tắm giặt, chưa dám ăn uống

Chị Lê Huyền Trang, tòa nhà 18T2 Chung cư The Golden An Khánh (Hoài Đức) cho biết, trước đây gia đình có lắp bình lọc nước nhưng ít khi sử dụng. Tuy nhiên, kể từ sau vụ ô nhiễm nguồn nước, mọi sinh hoạt ăn uống đều được sử dụng qua máy lọc nước để đảm bảo an toàn.

Bà Thà, cư dân tòa HH3C, Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, kể từ khi có sự cố nước sạch sông Đà bà chính là người đi xếp hàng lấy nước về dùng. Cho đến nay, gia đình bà vẫn dùng nước mua ở siêu thị để ăn uống, còn nguồn nước máy chủ yếu dùng cho tắm giặt chưa dám nấu ăn.

Đây cũng là cách mà chị Đào Thanh Tùng, cư dân tòa nhà ở cho cán bộ nhân viên Thông tấn xã Việt Nam (Đại Kim, Hoàng Mai) sử dụng gần một tháng qua. Dù đã được thông báo về nguồn nước đã đảm bảo, tuy nhiên, mỗi ngày gia đình chị cũng chỉ dùng cho tắm giặt, hay qua máy lọc nước để rửa thức ăn. Còn nước dùng để uống, nấu ăn của 4 người trong gia đình đều dùng từ bình lọc nước tinh khiết mua từ siêu thị.

Đại diện Ban Quản lý (BQL) tòa nhà CT4A1, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cho biết, sau khi có thông báo và công bố các chỉ số nước sinh hoạt đã an toàn và bể chứa nước ngầm của khu đô thị được thau rửa, gia đình ông và một số hộ khác đã sử dụng lại nước máy sinh hoạt bình thường. Sau khi sử dụng nguồn nước sông Đuống ít ngày thì có thông báo nước sông Đà đủ điều kiện, BQL đã chuyển sử dụng lại nguồn nước này.

Kiểm nghiệm tại vòi mới dám ăn uống

Chị Sáu, cư dân tòa nhà CT4A1, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm cho biết, gia đình có 4 người nhưng vẫn dùng nước đóng bình từ khi có thông báo nước bị nhiễm dầu. “BQL thông báo đã ngắt nguồn nước sông Đà để đổi nguồn nước sông Đuống sử dụng nhưng khi tắm vẫn có mùi hôi. Gia đình tôi có con nhỏ nên tôi muốn chắc chắn nước thực sự an toàn mới sử dụng. Cư dân tòa nhà cũng đang đề nghị BQL xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm nghiệm nguồn nước định kỳ, để cư dân yên tâm sử dụng”, chị Sáu cho hay.

Tòa chung cư 283 Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm nguồn nước sông Đà. Ở đây, BQL tòa nhà đã mất hai ngày để bơm cạn nước trong bể ngầm, đồng thời nạo vét bùn, cặn rửa sạch đáy bể bằng  nước sạch mới. Đồng thời, BQL tòa nhà cũng tháo cạn nước cũ, rửa sạch cặn trong bồn inox trên sân thượng. Từ ngày 14/10, BQT tòa nhà đại diện cho cư dân đã lấy mẫu nước 3 nơi khác nhau: từ đường ống cấp vào bể ngầm; mẫu nước múc lên từ cửa bồn sân thượng và tại vòi nhà cư dân để đưa đi xét nghiệm.

Dù kết quả từ bảng xét nghiệm mẫu nước được công khai trên trên nhóm Facebook hội cư dân là đã đạt tiêu chuẩn vệ sinh ăn uống về vi sinh vật từ ngày 17/10. Tuy nhiên, bà Trần Thị Hiền, cư dân tòa C chung cư này cho biết, ngay từ ngày đầu thông báo nguồn nước bị ô nhiễm đến nay, gia đình bà đã mua nước đóng bình để ăn uống và chỉ dùng nước máy vào việc tắm giặt. “Dù đã có kết quả kiểm nghiệm an toàn, nhưng lúc sử dụng nước máy để tắm giặt vẫn thỉnh thoảng có mùi hôi, nên chưa thực sự yên tâm để dùng trong ăn uống”, bà Hiền nói.

MỚI - NÓNG