Hậu duệ họ Lý mong tìm lại mộ tổ ở Triều Tiên

TP - Dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ 2 thành công tốt đẹp, mở ra cơ hội hàn gắn hai miền Triều Tiên và họ có thể trở lại Triều Tiên tìm lại lăng mộ của tổ tiên mình, sau hơn 68 năm ly tán sang Hàn Quốc. 

Hậu duệ thứ 28 của vua Lý Thái Tổ

Ông Lý Thừa Vĩnh, hậu duệ thứ 28 của vua Lý Thái Tổ, chủ tịch Hội dòng họ Lý Hoa Sơn gồm hơn 1.000 người ở Hàn Quốc chia sẻ: “Tôi và dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc mong ngóng được trở lại Triều Tiên thăm lại lăng tẩm tổ tiên mình gần 70 năm nay mà chưa được. Trước đây, chúng tôi vẫn cho rằng điều này là vô vọng. Tuy nhiên, với những dấu hiệu tích cực giữa hai miền Triều Tiên thời gần đây, hy vọng, điều mong mỏi nhiều thập kỷ qua của chúng tôi sẽ sớm thành hiện thực. Ở Hàn Quốc, chúng tôi cũng đang hướng về Hà Nội và hồi hộp chờ đợi kết quả của 
hội nghị”.

Khi được hỏi, nếu được trở lại Triều Tiên, việc đầu tiên ông sẽ làm là gì, ông Vĩnh cho biết: “Nếu được đi Triều Tiên, việc đầu tiên là tôi sẽ đi tìm lăng của Hoàng Thúc Lý Long Tường, ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc”.

Tiếp đó, ông cho biết, sẽ đi tìm người chị gái mà 68 năm qua gia đình ông chưa có dịp gặp lại. Ông cho biết, chị gái của ông tên là Lee Chun Hoa, sinh 
năm 1947. 

Ngoài ra, ông  Lý Thừa Vĩnh cho biết, ông muốn tìm hiểu xem hiện nay có bao nhiêu người dòng họ Lý Hoa Sơn đang sinh sống tại Triều Tiên.

Hậu duệ họ Lý mong tìm lại mộ tổ ở Triều Tiên ảnh 1 Ông Lý Thừa Vĩnh (giữa) về dự lễ hội Đền Đô năm 2017

Như vậy, kể từ khi cùng những người trong họ từ Hàn Quốc trở về Bắc Ninh làm lễ cúng tổ tiên nhận họ hơn 20 năm trước, niềm vui của dòng họ Lý tại Hàn Quốc sẽ được trọn vẹn nếu họ có cơ hội được trở về Triều Tiên tìm lại nguồn cội của mình và dấu tích của Hoàng Thúc Lý Long Tường, hoàng tử của triều Lý nước Đại Việt lưu lạc sang xứ Cao Ly, sau đó dòng họ này bị ly tán sang Hàn Quốc do cuộc chiến tranh năm 1950-1953.

Thời gian gần đây, ông Lý Thừa Vĩnh về Việt Nam nhiều hơn, trong đó có chuyến đi thăm Trường Sa lần thứ hai vào tháng 4/2018. Trong những ngày giáp Tết Kỷ Hợi, ông Lý được mời về Việt Nam dự Xuân Quê hương 2019. Ông chia sẻ, do công việc bận rộn, ông phải trở lại Hàn Quốc ngày 30/1, không thể ăn tết cổ truyền của dân tộc. Có đôi chút tiếc nuối, nhưng ông cho biết: “Trong 10 năm qua, tôi đã được ăn hai cái tết tại Việt Nam rồi. Thích lắm. Không khí Tết Việt không đâu có được”.

Ngay từ nhỏ đã ý thức mình là người Việt

Tâm sự về gốc gác của mình, ông cho biết: “Việc tự nhận là một người gốc Việt trong xã hội Hàn Quốc không phải là điều dễ dàng. Nhưng ngay từ nhỏ tôi đã ý thức mình là người Việt, bạn bè gọi tôi là hoàng tử Việt Nam”.

Ban đầu, nhiều người bạn Hàn Quốc còn ngạc nhiên khi biết rằng ông là dòng dõi vua chúa người Việt lưu lạc sang tận xứ sở Cao Ly. Sau đó, cứ có bất cứ tin tức gì liên quan đến Việt Nam, họ đều gọi điện báo cho ông biết.

Hậu duệ họ Lý mong tìm lại mộ tổ ở Triều Tiên ảnh 2 Ông Lý Thừa Vĩnh, hậu duệ đầu tiên của họ Lý có cơ hội được đi thăm quần đảo 
Trường Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc

Trong các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam do Hội người Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc tổ chức tại Seoul đầu năm 2016, ông Lý Thừa Vĩnh là người tích cực tham gia. Một số tờ báo Hàn Quốc hỏi ông tại sao tham gia các cuộc biểu tình đó, ông thẳng thắn trả lời rằng, mình là người Việt Nam nên có nghĩa vụ tham gia bảo vệ toàn vẹn chủ quyền Trường Sa và Hoàng Sa.

Dù không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng ông Lý Thừa Vĩnh, Giám đốc Công ty Văn hóa và Đầu tư Hàn Quốc - Việt Nam, Chủ tịch Hội Hậu duệ dòng họ Lý Hoa Sơn ở Hàn Quốc, thường xuyên cùng những người con trong cộng đồng dòng họ Lý Hoa Sơn tại Hàn Quốc trở về Việt Nam, với mong muốn tìm về nguồn cội và đóng góp cho mảnh đất đã sinh ra dòng họ Lý vẻ vang. 

Khoảng 20 năm trở lại đây, dịp lễ hội Đền Đô hàng năm (ngày 14-16/3 âm lịch và ngày chính lễ là 15/3 kỷ niệm ngày Lý Thái Tổ lên ngôi vua vào năm Canh Tuất - 1010), cũng có thêm những người họ hàng từ Hàn Quốc về sum họp. Hiện nay ở Hàn Quốc có hai dòng họ Lý gốc Việt lưu lạc sang đây là dòng họ Lý Hoa Sơn và dòng họ Lý Xương Căn (hậu duệ của Kiến hải vương Lý Dương Côn, con nuôi của Vua Lý Nhân Tông).

Ông Lý Thừa Vĩnh chia sẻ: “Là người Hàn Quốc mang trong mình dòng máu Việt, trong hơn hai thập kỷ qua, tôi cũng không nhớ nổi đã bao nhiêu lần trở về Việt Nam. Lần nào trở về quê hương tôi cũng có những cảm giác rất đặc biệt bởi đây là nơi tổ tiên dòng họ Lý từng sinh sống”.

Lý Long Tường là hoàng tử triều Lý nước Đại Việt. Vì có công dẹp giặc Nguyên Mông tại Cao Ly khi ông phiêu dạt sang đây, nên ông được tôn vinh là Hoa Sơn Tướng quân và được coi là ông tổ của dòng họ Lý Hoa Sơn ở Triều Tiên và Hàn Quốc. 
Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ), là con thứ bảy của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175) và hiền phi Lê Mỹ Nga. Năm 1225, Trần Thủ Độ lật đổ nhà Lý bằng cách đưa cháu là Trần Cảnh vào hầu Lý Chiêu Hoàng, dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và nhường ngôi để lập ra nhà Trần. Sau đó Trần Thủ Độ tàn sát con cháu nhà Lý, buộc con cháu nhà Lý đổi qua họ Nguyễn, đày con cháu nhà Lý đi lên vùng núi non hiểm trở phía bắc.
Năm 1226 (tức niên hiệu Kiến Trung thứ hai đời Vua Thái Tông nhà Trần), để bảo toàn tính mạng và lo việc thờ cúng tổ tiên, Lý Long Tường đã bí mật về Kinh Bắc, vái lậy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội và phiêu dạt tới đất Cao Ly. 

MỚI - NÓNG