Hậu COVID-19, doanh nghiệp suy giảm niềm tin

Doanh nghiệp ở Đà Nẵng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Ảnh: Giang Thanh
Doanh nghiệp ở Đà Nẵng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn. Ảnh: Giang Thanh
TP - Ngày 13/10, Cục thống kê TP Đà Nẵng đã có báo cáo chuyên đề phân tích kết qủa khảo sát đánh gia tác động của dịch COVID-19 (lần 2) đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Ảnh hưởng nặng nề

Cuộc khảo sát đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (lần hai) tại Đà Nẵng được thực hiện với 8.300 doanh nghiệp. Qua đó, đã nhận diện rõ hơn các khó khăn của doanh nghiệp khi dịch bệnh bùng phát lần 2; đồng thời, kết quả khảo sát cũng phản ánh khá đầy đủ về hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đến với cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cho thấy, khi dịch COVID-19 quay trở lại Đà Nẵng lần 2, đã có 90,6% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. Doanh nghiệp ngoài nhà nước tiếp tục đối mặt khó khăn do dịch bệnh gây ra và là đối tượng chịu tác động nặng nhất.

Khu vực dịch vụ, được cho là trụ đỡ chính của nền kinh tế thành phố Đà Nẵng, với tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn thành phố mỗi năm trên 75%. Dịch COVID-19 tái bùng phát khiến khu vực này một lần nữa chịu tác động nặng nề nhất với gần 91% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực…

Cuộc khảo sát cho thấy hệ lụy nghiêm trọng của làn sóng dịch thứ 2 là hiện tượng cắt giảm lao động đã bắt đầu diễn ra trên diện rộng. Có 16,9% lao động trong các doanh nghiệp phải tạm nghỉ việc không lương. Trong đó, tỷ lệ này cao nhất thuộc về các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ với 37,3% lao động phải tạm nghỉ việc không lương. Doanh nghiệp ngoài nhà nước có tỷ lệ lao động tạm nghỉ việc không lương cao nhất với 20,1%. Khu vực dịch vụ có tỷ lệ lao động nghỉ việc không lương cao nhất với 22,6% tập trung ở các ngành như: dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục, đào tạo, nghệ thuật, vui chơi, giải trí..

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp, do họ nhìn nhận rằng, những chính sách đã ban hành thiếu khả năng để được thực thi, dẫn tới kém phát huy hiệu quả. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia trả lời nhận được hỗ trợ chiếm tỷ lệ khá thấp (12,2%).

Khó tiếp cận nguồn vốn

Ngay từ giai đoạn dịch bệnh chưa ảnh hưởng nặng nề như hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 11 ngày 4/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).

Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy có đến 75,1% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn do quy trình, thủ tục vay vốn phức tạp; doanh nghiệp không có tài sản thế chấp để vay vốn cũng chiếm tỷ lệ khá cao (64,7%), đồng thời doanh nghiệp đang có dư nợ cũng bị hạn chế tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng (56,1%).  Vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn vay xảy ra ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp.

Việc dịch bệnh COVID-19 quay trở lại lần 2 và tâm dịch ngay chính tại thành phố Đà Nẵng, các hoạt động kinh tế trong quý III năm 2020 dường như đóng băng; nền kinh tế thành phố đang đối mặt với những thách thức mới. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, các cấp lãnh đạo thành phố đã khẩn trương triển khai hàng loạt các biện pháp cấp bách, trong đó vấn đề ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành và địa phương nhằm tiếp tục được triển khai để tháo gỡ một phần khó khăn, giúp người dân và doanh nghiệp sớm ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và nhận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong thời gian qua còn khá thấp so với kỳ vọng của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cũng như mong muốn của chính cộng đồng doanh nghiệp.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, đã có sự suy giảm niềm tin của nhiều doanh nghiệp, do nhìn nhận rằng, những chính sách đã ban hành thiếu khả năng để được thực thi, dẫn tới kém phát huy hiệu quả. Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia trả lời nhận được hỗ trợ khá thấp (12,2%).

Theo Cục thống kê Đà Nẵng, có nhiều lý do doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, có đến 33,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng, doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện để nhận hỗ trợ của Nhà nước. Các điều kiện cơ bản để doanh nghiệp nhận được hỗ trợ của Nhà nước theo quy định cụ thể như: Doanh nghiệp có từ 20% hoặc từ 30 người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; Đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động trong từ 1/4 đến 30/6…

Một số doanh nghiệp còn tỏ ra thất vọng vì cho rằng, chính sách đã ban hành khó tiếp cận, quy trình, thủ tục không thuận lợi nếu không muốn nói là quá khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nhận định có những chính sách hỗ trợ ban hành với điều kiện tiếp cận rất cao, vô hình trung tạo ra rào cản ngăn doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ.

Điều đáng nói là có đến 33,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát trả lời không biết về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tập trung chủ yếu ở loại hình doanh nghiệp ngoài Nhà nước, có quy mô nhỏ và siêu nhỏ.

Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng cho biết, qua kết quả khảo sát, mong mỏi lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng trong lúc này là quá trình ban hành và thực thi chính sách, cơ quan chức năng phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp lên hàng đầu, chính sách phải phù hợp thực tế, được thực thi nhanh và thuận tiện...

Cũng cần có các chế tài mạnh với các khâu thực thi đi ngược chủ trương “tạo thuận lợi” của Chính phủ cũng được nhiều doanh nghiệp khuyến nghị. Gói hỗ trợ của Chính phủ cần hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực cho doanh nghiệp. Quá trình thực hiện chính sách phải thực sự đặt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp làm ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng  cần có các quyết sách và cơ chế giúp chính sách được ban hành nhanh hơn, thực thi nhanh hơn, minh bạch; đồng thời, thay vì hỗ trợ doanh nghiệp đã kiệt quệ, đổ vỡ, nên hướng tới chính sách giúp doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền chi ra…

MỚI - NÓNG