Hát Xoan được UNESCO vinh danh

Hát Xoan chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Hát Xoan chính thức trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
TP - Lần đầu tiên trong lịch sử, Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể đưa di sản Hát xoan ra khỏi danh sách bảo vệ khẩn cấp, chính thức ghi danh vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Sức sống của Xoan

Đúng 10h52 phút giờ địa phương (8h52 phút giờ Việt Nam), tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 tại Jeju (Hàn Quốc), hát Xoan Phú Thọ chính thức thoát khỏi Danh sách Di sản cần bảo vệ khẩn cấp, đồng thời được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đại diện Cục Di sản văn hoá cho biết, đây là lần đầu tiên Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp.

Còn nhớ sáu năm trước khi hát Xoan được đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp, nhiều chuyên gia phải thốt lên xót xa vì di sản này ít được biết đến. Năm 2009 bốn phường Xoan chỉ độ trăm người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, phân nửa trên 60 tuổi. Thời ấy trong số 31 nghệ nhân cao tuổi vào độ gần đất xa trời trên 80 tuổi, chỉ bảy người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của hát Xoan. Con số được nêu ra trong báo cáo quốc gia chứng tỏ sự phát triển nhanh chóng: 200 thành viên với độ tuổi trung bình 35, có tới 62 người kế cận đủ trình độ truyền dạy các bài bản của hát Xoan. Đếm qua cũng trên 30 câu lạc bộ mở ra để lan tỏa Xoan trên khắp miền đất Tổ.

Các chuyên gia UNESCO ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam sau khi di sản được đưa vào danh sách cần bảo vệ khẩn cấp. Một loạt liều thuốc “hà hơi thổi ngạt” từ đề án bảo vệ và phát huy hát Xoan do Thủ tướng phê duyệt từ 2013-2020: Bảo vệ kết hợp truyền dạy hát Xoan, đào tạo về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, phục hồi không gian cần thiết để thực hành di sản (19 di tích gắn với Xoan), sưu tầm tài liệu văn học trên thực tế và công bố cho các mục đích giáo dục và giới thiệu di sản trong trường học. Nghệ nhân Xoan Nguyễn Thị Lịch (Trùm phường Xoan An Thái) bảo giờ không chỉ người Phú Thọ học hát Xoan, nghệ nhân Phú Thọ tay nải tới Vĩnh Phúc, Yên Bái, Tuyên Quang để truyền dạy lề lối Xoan.

Đưa di sản trở về cuộc sống

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch (67 tuổi) giọng nghẹn ngào: “Chúng tôi nghe tin sáng nay UNESCO xem xét Hồ sơ hát Xoan, năm nghệ nhân của phường An Thái có mặt tại nhà tôi để ngóng tin. Chúng tôi mở ti vi từ 6h, đến 9h có tin hát Xoan chính thức được ghi nhận di sản thế giới. Quả thực quá xúc động, tôi đã khóc rất nhiều. Tôi lập tức thắp hương báo cáo ông nội và bố tôi, thế hệ cha ông trước khi nhắm mắt xuôi tay truyền nghề và dặn tôi không được xao nhãng”. Nghệ nhân vui quá liền “đòi” ăn mừng ngay, nhưng bà Lịch ngăn lại chờ đoàn Việt Nam trở về báo cáo Vua Hùng. Hát Xoan vốn là nghệ thuật trình diễn gồm hát, múa, gõ trống và phách gắn liền với tục thờ cúng Hùng Vương.

Phú Thọ công bố hát Xoan ra khỏi tình trạng khẩn cấp từ năm 2015, tuy vậy vẫn phải kiên trì thực hiện đề án của Chính phủ tới 2020. Để thuyết phục chuyên gia của UNESCO không phải chuyện dễ dàng, ấy thế mà những nghệ nhân Xoan có niềm tin mạnh mẽ. “Dăm năm trước đúng là cần bảo vệ khẩn cấp hát Xoan, nhưng nay Phú Thọ phát triển các CLB, mở nhiều lớp học từ tiểu học tới đại học, lan rộng Xoan: Nhỏ nhất là cháu bé 6 tuổi đã hát Xoan, cháu nội tôi 8 tuổi múa rất đẹp. Chỉ cần nhìn vào  một chương trình do một trường học thực hiện mọi người thấy được sức sống của Xoan hiện nay. Hơn nữa chúng tôi vẫn giữ nguyên được các lề lối hát, múa, trống phách từ thời các cụ truyền lại. Tôi có niềm tin mạnh mẽ hát Xoan chắc chắn được vinh danh”, nghệ nhân Lịch nói.

Thành quả “cấp cứu” hát Xoan không còn nằm trên giấy, di sản này đã trở thành hơi thở của cuộc sống. Từng có nhiều người lo ngại Xoan khó phục vụ du lịch, những người làm du lịch Phú Thọ vẫn lồng ghép di sản vào City tour Việt Trì khởi động từ đầu năm nay. Những bài Xoan nổi tiếng nhất như Trống quân, Xin huê, Đố chữ, Mó cá trong 31 bài Xoan được kiểm kê vang lên ở các di tích cổ như miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô. Người nghe không chỉ người dân Việt, nhiều khách nước ngoài cũng được dẫn dắt tìm hiểu di sản này khi có dịp về đất Tổ.

Ủy ban Liên Chính phủ cũng lưu ý Việt Nam không chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản như trong hồ sơ đề cử vào Danh sách đại diện nhân loại, cần tiếp tục hoàn thành việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản trong hồ sơ đề cử vào Danh sách khẩn cấp năm 2001 và Báo cáo định kỳ quốc gia năm 2016.

MỚI - NÓNG