Hành trình đến 'trái ngọt' của ca mang thai hộ đầu tiên

Trái ngọt đầu tiên của phương pháp mang thai hộ là một bé gái xinh xắn nặng 3,6kg. Ảnh H.Hải.
Trái ngọt đầu tiên của phương pháp mang thai hộ là một bé gái xinh xắn nặng 3,6kg. Ảnh H.Hải.
Ca mang thai hộ đầu tiên đã cho “trái ngọt” là một bé gái kháu khỉnh nặng 3,6kg. Bé là con của cặp vợ chồng đã 38 tuổi, 16 năm mòn mỏi tìm kiếm một mụn con. Và người cho “mượn bụng” là cô họ hàng của cặp vợ chồng này, đã 46 tuổi.

Trái ngọt muộn màng

Sáng 22/1, em bé đầu tiên của ca mang thai hộ chào đời tại BV Phụ sản Trung ương. E bé nặng 3,6kg được mẹ đặt tên là Đ. Quỳnh Anh.

Đón cô công chúa từ tay GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế - người đã đích thân phẫu thuật lấy thai ca đặc biệt này, chị T.T.D xúc động không nói lên lời. Đứa con vợ chồng chị mong mỏng hơn 16 năm qua và những tưởng không bao giờ có được.

Trước đó, lúc 6h30 sáng có mặt tại tầng 4 khoa phẫu thuật, 2 vợ chồng chị D và anh Đ.D.H lo lắng, xúc động đến nghẹt thở, mong ngóng từng giây chờ đợi con gái chào đời.

Nhớ lại ngày đọc được thông tin về cho phép mang thai hộ, chị D cho biết, vừa đọc xong, chưa kịp xem kỹ thủ tục, thời gian như thế nào, anh chị bắt xe thẳng từ Ninh Bình lên ngay BV Phụ sản Trung ương để hỏi thủ tục. Được hướng dẫn, anh chị lại lặng lẽ về để cùng gia đình bàn bạc, tìm người nhờ mang thai.

“Khi nghĩ đến người cô họ rất mực thương các cháu, vợ chồng tôi cũng lo lắm, vừa đặt vấn đề vừa run. Cuối cùng, cô đã nhận lời dù các bác sĩ tư vấn nguy cơ khi mang bầu sẽ cao hơn người khác (do tuổi của cô khá cao - 46 tuổi). Khi đậu thai thành công, tim mình như muốn nghẹt lại vì cảm giác gì đó rất khó tả, mong ngóng ngày được bế giọt máu của hai vợ chồng trong vòng tay”, chị D nói.

Còn anh H cho biết, từ chiều qua, cả gia đình lòng đã như lửa đốt khi bác sĩ thông báo thai đã 38 tuần, có thể phẫu thuật chủ động để lấy thai ra. Sáng nay, cả nhà đều quây quần ở nhà nội, chờ anh chị báo tin vui về.

Chị D cho biết, em bé vẫn được bú mẹ trong 1 tháng đầu sau sinh vì cô thương con, thương cháu sẽ cho bé bú. Còn sau đó, khi bé đã cứng cáp hơn, anh chị sẽ cho con ăn sữa ngoài, sẽ chăm sóc các cháu hết sức có thể của vai trò người làm cha, làm mẹ.

Nhớ lại chặng đường 16 năm làm vợ chồng, trong đó 14 năm biết mình hiếm muộn, hai anh chị không biết đã trải qua bao nỗ lực, vất vả để cố kiếm tìm một mụn con. Dù biết vợ không thể mang thai vì dị tật tử cung bẩm sinh nhưng hai anh chị vẫn nỗ lực, vẫn cố chữa vì niềm mong mỏi vô bờ được nghe tiếng khóc trẻ thơ.

Anh H cho biết, thương vợ, nên mỗi lần chị có ý kiến “này nọ” để mong anh có mụn con nối dõi tông đường, anh đều gạt đi. Bởi với anh, vợ chồng là duyên số và cũng là số mệnh của mình. “Nói mình khát con, thú thực rất khát, nhưng mình khát một, người phụ nữ sẽ khát nghìn lần. Nên tôi rất thương vợ và không bao giờ có ý định làm gì khiến vợ mình đau đớn”, anh H nói.

Qua 14 con dấu để làm hồ sơ mang thai hộ

Sau nhiều lần chạy đi chạy lại, được hướng dẫn chi tiết, đầu tháng 3/2015 anh chị bắt tay vào quá trình làm hồ sơ mang thai hộ. Điều anh H, chị D cảm thấy hạnh phúc nhất, đó là nhận được sự hỗ trợ rất tích cực của cả chính quyền và các y bác sĩ tại Trung tâm hỗ trợ sinh sản. Vì thế, quá trình làm hồ sơ không hề khó khăn, khó nhất chính là hành trình tìm nơi xác thực công chứng bởi thời gian đầu chưa có nơi nhận công chứng các thủ tục liên quan đến vấn đề này.

Ngay sau khi trao lại đứa con cho cặp vợ chồng hiếm muộn, GS.TS Nguyễn Viết Tiến chia sẻ, khi tận tay đón em bé chào đời, bản thân ông rất xúc động bởi chính sách mang thai hộ nhân đạo đã tạo ra cơ hội làm bố, làm mẹ của những cặp vợ chồng những tưởng không bao giờ có mụn con bởi các bệnh lý liên quan đến sinh sản.

Hành trình đến 'trái ngọt' của ca mang thai hộ đầu tiên ảnh 1 GS Tiến và PGS Quyết vui mừng chia sẻ thành công trong ca họp báo ngay sáng nay. Ảnh: H.Hải.

“Nếu không có quy định sửa đổi này, chúng ta sẽ không bao giờ chứng kiến được thời khắc hạnh phúc của cặp cha mẹ sau sau hơn chục năm đằng đẵng đã có thể bế trên tay đứa con máu mủ của mình. Từ giờ đến tháng 3, sẽ có thêm nhiều em bé nữa như vậy chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của các cặp vợ chồng hiếm muộn”.

Theo TS Vũ Bá Quyết, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, hiện nay tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (BV Phụ sản trung ương) có khoảng 60 hồ sơ được duyệt, trong đó đã có hơn 50 trường hợp mang thai. Đây là ca đẻ đầu tiên từ mang thai hộ.

Các bác sĩ luôn nỗ lực hết sức để hỗ trợ người bệnh có nhu cầu nhờ mang thai. Về chuyên môn, chỉ cần xác nhận của BV là người mẹ nằm trong đối tượng được nhờ mang thai, còn các giấy tờ khác chủ yếu là xác nhận thân nhân người mang thai. Một hồ sơ hoàn thành phải có đầy đủ 14 dấu pháp lý xác định. “Cơ bản không khó, thời gian đầu do nhiều người chưa nắm hết nên làm hồ sơ phức tạp hơn. Còn cái khó nhất của mang thai hộ chính là nhờ người mang thai hộ”, TS Quyết nói.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến bày tỏ thêm, qua ca mang thai hộ đầu tiên thành công này, chúng tôi muốn truyền đi thông điệp, người bệnh hãy nên tuyệt đối tin tưởng bác sĩ. Mọi người phụ nữ đều có cơ hội làm mẹ. Khi gặp những vấn đề khó khăn về sức khỏe sinh sản, đừng tuyệt vọng mà hãy nỗ lực hết sức, điều trị để có thể mang thai con của chính mình. Chỉ những trường hợp không có tử cung, dị tật tử cung… không thể mang thai mới nghĩ đến phương pháp mang thai hộ.

TS Tiến cũng hi vọng sau một thời gian thực hiện, Nghị định có thể được điều chỉnh để thêm cơ hội được làm mẹ cho nhiều người. Ví dụ như với trường hợp sinh con một nhưng bị tai biến sản khoa, người mẹ bị cắt tử cung hoặc vì lý do gì đó không thể sinh thêm được con, đứa con lại chịu di chứng gì đó (không phải di truyền), người mẹ vẫn có thể được nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Vì chính khi lớn lên em bé này sẽ là chỗ dựa cho người anh (chị) không may bị dị tật khi bố mẹ già yếu.

TS Vũ Bá Quyết cho biết, để chúc mừng ca mang thai hộ đầu tiên thành công này, chúng tôi sẽ miễn phí toàn bộ viện phí cho gia đình. Bé sẽ được chăm sóc bình thường như những đứa trẻ khác và xuất viện khi sức khỏe ổn định.

Được biết, chiều tối nay (22/1) Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng sẽ đến thăm, chúc mừng ca mang thai hộ đầu tiên thành công.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.