“Sức sống xương rồng”
Tin, bài, ảnh, video cộng tác của bạn đọc, xin gửi về tòa soạn theo địa chỉ email: online@tienphong.vn
Không may mắn như những đứa trẻ khác, khi mới sinh ra đã phải mang trong mình di chứng của căn bệnh chất độc da cam quái ác. Năm nay 17 tuổi, nhưng nhìn thân hình Phước chỉ như một em bé mới học tiểu học.
Gặp chúng tôi, cô Trần Thị Thu Thủy (mẹ Phước) nghẹn ngào tâm sự: Ngày em cất tiếng khóc chào đời, cả gia đình vỡ òa trong hạnh phúc. Thế nhưng, niềm vui chẳng tày gang, vợ chồng cô như chết lặng khi nghe các bác sỹ kết luận đứa con trai đầu lòng của mình không được bình thường như bao đứa trẻ khác.
Kỷ niệm chương giải thưởng Phan Châu Trinh của “chú lùn” Đình Phước.
Thời gian sau đó, những trận ốm đau cứ kéo dài mãi theo năm tháng. Năm lên 3 tuổi, chân tay Phước bắt đầu co rúm lại, các ngón tay ngắn ngủn và hai cánh tay bắt đầu trở nên bị khoèo, dị dạng. Mỗi lúc chuyển trời, cơn đau lại hành hạ cơ thể Phước, thương con đứt ruột nhưng ba mẹ em chỉ biết đứng nhìn con mà khóc trong sự bất lực.
Rồi lên 6 tuổi, thấy các bạn cùng trang lứa hàng ngày được cắp sách đến trường, được đánh vần ê a những bài thơ, câu chữ mà Phước cứ ao ước được một lần đi học… Thương con, ba mẹ em phải chạy ngược chạy xuôi khắp nơi mới kiếm được trường mẫu giáo chịu nhận Phước vào học…
Cứ thế, hàng ngày, bất kể dù nắng hay mưa, cậu học trò tí hon vẫn kiên trì đến lớp trên lưng của cha mẹ. Hơn 11 năm đi học là chừng đó khoảng thời gian Phước phải đối mặt với bao sự trêu chọc của bạn bè và những cái nhìn hiếu kỳ, thiếu thiện cảm của mọi người xung quanh…
Rồi có nhiều lúc do cha mẹ bận rộn đi làm nên không thể đến trường đón em kịp giờ tan học thì Phước lại phải lặn lội đi bộ một mình. Tuy quãng đường từ trường về nhà không xa lắm nhưng đối em là cả một chặng đường đầy gian nan, thử thách.
Viết “cổ tích”
Cứ ngỡ rằng, những bất hạnh và sự mặc cảm đó sẽ làm gục gã cậu học trò tí hon. Thế nhưng, bằng nghị lực phi thường, hằng ngày Phước vẫn quyết tâm đến lớp để theo đuổi ước mơ của mình.
Và không phụ sự kỳ vọng của gia đình và những người đã đặt niềm tin vào em. Trong tất cả những năm học vừa qua, cậu bé có sức sống của xương rồng này luôn là học sinh khá giỏi và nhiều lần lọt vào danh sách học sinh có thành tích xuất sắc nhất trường.
Năm 2012, Phước tốt nghiệp trung học cơ sở với tấm bằng loại giỏi và vinh dự được nhận giải thưởng Phan Châu Trinh cùng nhiều bằng khen khác của hội khuyến học.
Khi được chúng tôi hỏi về dự định cho tương lai của mình, cậu bé tí hon cười lạc quan tâm sự: “Em muốn học thật tốt đề sau này trở thành một kỹ sư công nghệ thông tin. Dù biết rằng để thực hiện được điều đó là không phải dễ, nhưng em tự hứa với bản thân là sẽ cố gắng hết sức để chinh phục được ước mơ và báo đáp công ơn trời biển của cha mẹ”.
Nói về cậu học trò “đặc biệt” của mình, thầy Trần Văn Trắc, giáo viên chủ nhiệm lớp 11/2, cho biết: “Phước là một trong những học sinh ngoan ngoãn và có thành tích học tập đứng đầu lớp chọn của trường. Tuy sinh ra đã phải mang nỗi đau đớn của bệnh tật nhưng em không bao giờ chịu đầu hàng số phận. Phước rất xứng đáng là một tấm gương sáng về ý chí và sự nổ lực rèn luyện mà các bạn cùng trang lứa cần phải học hỏi noi theo”.
Có thể nói, cuộc đời Đình Phước giống như một cây xương rồng xù xì mọc lên giữa sa mạc nhưng đã nở hoa thơm ngát cho đời. Phước là tấm gương sáng về ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống mà những con người bình thường không phải ai cũng có thể làm được.
Em đã bước qua được ranh giới của khổ đau, nước mắt và sự mặc cảm để chiến thắng định mệnh khắc nghiệt và viết nên câu chuyện cổ tích thời hiện đại bằng chính niềm tin, ý chí và sự nổ lực không ngừng của mình.
Em Nguyễn Thị Tâm, học sinh trường THPT Phan Bội Châu chia sẻ: “Trước đây, các bạn thường hay kỳ thị và trêu chọc Phước bằng những cái tên rất khó nghe như “dị nhân”, Phước lùn hay Phước “si đa”…
Nhưng qua hai năm học ở trường, Phước học rất giỏi và lại hay giúp đỡ người khác nên giờ đây mọi người ai nấy cũng đều phải thay đổi cách nhìn về bạn ấy. Bản thân em thấy Phước có một nghị lực vượt khó và tinh thần hiếu học rất đáng khâm phục”.