Một máy bay hải quân của Trung Quốc đã rơi ở đảo Hải Nam hôm qua, làm thiệt mạng hai phi công, theo nguồn tin từ quân đội Trung Quốc.
Một tuyên bố ngắn gọn nói vụ tai nạn xảy ra trong khi các phi công đang bay huấn luyện trên hạt Lạc Đông thuộc tỉnh Hải Nam. Không ai trên mặt đất bị thương.
Mặc dù quân đội Trung Quốc (PLA) không nêu cụ thể chiếc máy bay rơi là loại gì, nhưng một số nhân chứng nói đó là loại cường kích hai chỗ ngồi Tây An JH-7, còn gọi là “Phi báo”.
Máy bay JH-7, được biên chế trong hải quân và không quân PLA từ những năm 1990, đã gặp một số tai nạn chết người.
Vụ rơi máy bay quân sự tồi tệ nhất trong lịch sử không quân PLA xảy ra vào tháng 1/2018. Ít nhất 12 quân nhân đã chết khi một máy bay của Không quân PLA, được tin là máy bay trinh sát điện tử, đâm xuống đất ở tỉnh Quý Châu, tây nam Trung Quốc.
Trong giai đoạn 2016-2017, có ít nhất 4 tai nạn liên quan đến dòng máy bay tiêm kích trên hạm J-16 “Cá mập bay”, một trong bốn vụ dẫn đến chết người.
Các nhà bình luận quân sự trước đây từng nói việc Trung Quốc muốn cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu, bao gồm việc đóng tàu sân bay mới, chế tạo các chiến đấu cơ mới, đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt phi công đạt chất lượng.
Để bù đắp thiếu hụt này, PLA đã bắt đầu các đợt tuyển mộ lớn và triển khai các chương trình huấn luyện chuyên sâu dành cho phi công quân sự.
Hiện nay Trung Quốc có một tàu sân bay đang hoạt động, là tàu Liêu Ninh. Tàu này có thể mang tối đa 24 chiếc J-15 cùng một số máy bay loại khác. Trong khi đó, tàu sân bay do Trung Quốc tự đóng mang số hiệu Type 001A theo dự kiến sẽ sớm được đưa vào biên chế. Tàu này theo thiết kế có thể mang theo 32 chiếc J-15.
Đó là chưa kể một chiếc hàng không mẫu hạm khác nữa đang được đóng và con tàu này được cho là còn mang số máy bay nhiều và hiện đại hơn nữa.
Trong bối cảnh đó, các cựu quan chức hải quân Trung Quốc cảnh báo, huấn luyện, chứ không phải thiết bị, mới là chìa khóa cho khả năng sẵn sàng chiến đấu, theo SCMP.
Báo này dẫn ra các số liệu cho thấy từ cuối năm 2016, chỉ có 25 phi công đủ phẩm chất bay tiêm kích J-15 trong khi 12 người khác đang trải qua các khóa đào tạo.
Hầu hết phi công hải quân Trung Quốc đều được tuyển mộ từ không quân, trong khi chính lực lượng này cũng đang cần những phi công được huấn luyện kỹ càng hơn.
Năm 2019, lần đầu tiên hải quân PLA tổ chức tuyển mộ phi công trên quy mô toàn quốc.
Bên lề kỳ họp quốc hội đang diễn ra ở Bắc Kinh, ông Phòng Vị, một phi công của PLA thuộc quân khu miền Tây, nói PLA đang phải củng cố các chương trình huấn luyện phi công trong lúc nhiều thiết bị quân sự mới được đưa vào biên chế. ‘Con người là chìa khóa cho mọi thứ”, ông nói.
Trở lại vụ tai nạn tồi tệ nhất của không quân PLA đầu năm 2018 ở Quý Châu. Lúc đó báo chí Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi liệu sự thúc bách liên tục trong việc hiện đại hóa quân đội đã dẫn đến trình trạng năng lực thực sự của PLA không theo kịp yêu cầu hay không.
Vụ rơi máy bay với 12 cái chết này xảy ra chỉ vài tuần sau vụ rơi tiêm kích trên hạm J-15. Một nhà quan sát Trung Quốc ẩn danh lúc đó đã nói với SCMP rằng: “Chúng ta phải nhận thấy rằng, có một khoảng cách chết người giữa việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và việc phát triển máy bay không hoàn hảo”. Dù động cơ và thiết kế máy bay của Trung Quốc còn nhiều vấn đề, các phi công vẫn buộc phải bay “bởi đây là nhiệm vụ chính trị xây dựng một lực lượng sẵn sàng chiến đấu cao”, nhà bình luận này nói.