Nhật và Ấn tập trận chung không phải việc hiếm, nhưng đợt mới nhất diễn ra khi quan hệ hai nước với Trung Quốc đều đang nóng lên.
Quân đội Trung Quốc và Ấn Độ vẫn căng thẳng ở khu vực biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya sau vụ đụng độ khiến 20 sĩ quan và binh lính Ấn Độ thiệt mạng hôm 15/6. Trong khi đó, Nhật Bản và Trung Quốc gần đây khẩu chiến về việc Tokyo quyết định thay đổi địa vị hành chính của quần đảo Senkaku mà nước này đang kiểm soát nhưng Bắc Kinh cũng đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.
New Delhi và Bắc Kinh đổ lỗi cho nhau gây ra vụ đụng độ chết người. Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ Sun Weidong nói rằng quân đội Ấn Độ có lỗi vì đã “vượt qua đường kiểm soát thực tế”. Đáp lại, Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vikram Misri cảnh báo sẽ có “sóng và hậu quả” trong quan hệ ngoại giao nếu Trung Quốc “cố thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi việc Nhật Bản thay đổi địa vị hành chính của quần đảo tranh chấp là “hành động khiêu khích nhiêm trọng trên vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Taro Kano đáp lại rằng Tokyo sẽ giám sát “những ý định, chứ không chỉ khả năng của Bắc Kinh”.
Đợt tập trận vừa qua là dấu hiệu mới nhất cho thấy cạnh tranh địa chính trị đang nóng lên ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Chỉ riêng trong tháng này Mỹ đã tiến hành 3 đợt tập trận trên biển Philippines và biển Đông. Hai đợt trong đó được thực hiện bởi 3 tàu sân bay Mỹ gồm USS Nimitz, USS Ronald Reagan và USS Theodore Roosevelt, còn đợt thứ ba được tiến hành chung với Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản.
Khi tranh cãi mới xảy ra liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã lập ra một nhóm mới để thúc đẩy quan hệ hợp tác trên biển với Mỹ, Ấn Độ, Úc và các nước Đông Nam Á.
Giới phân tích cho rằng những hành động hung hăng của Trung Quốc trên biển Đông và Hoa Đông khiến Nhật Bản và Ấn Độ xích lại gần nhau. Riêng trong năm 2019, Thủ tướng Nhật Bản và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi gặp nhau 3 lần. Hai nước còn tổ chức gặp thượng đỉnh 2 năm một lần, điều hiếm thấy với Nhật bản.
Những nhà phân tích như ông C Uday Bhaskar, một đại tá hải quân về hưu của Hải quân Ấn Độ và giờ là giám đốc Hội nghiên cứu chính sách New Delhi, cho rằng Trung Quốc lo lắng về quan hệ này.
Nhưng ông Bhaskar cho rằng dù Ấn Độ và Nhật Bản chia sẻ mối lo lắng chung về sự hung hăng của Trung Quốc, hai bên vẫn “thận trọng và kín đáo trong việc thúc đẩy mối quan hệ an ninh chiến lược mạnh mẽ”.
“Delhi và Tokyo chia sẻ tầm nhìn về tự do trên biển, nhưng điều đó mới chỉ ở mức độ chính trị và ngoại giao”, ông Bhaskar đánh giá.
Cựu Đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia cho rằng đợt tập trận chung của hai nước lần này là tín hiệu gửi đến Trung Quốc về sự cần thiết của ngoại giao thay vì hung hăng. “Đó là lời nhắc nhở rằng việc sử dụng các kênh ngoại giao (để giải quyết các vấn đề nổi cộm) sẽ là điều tốt nhất cho Trung Quốc và bất kỳ nước nào”, ông Bhatia nói.
Một số nhà phân tích cho rằng các hoạt động gia tăng trên Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương cho thấy sự nổi lên của Bộ Tứ - nhóm liên minh quân sự chiến lược không chính thức gồm Mỹ, Nhật, Úc và Ấn Độ.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh trong tháng này, Ấn Độ và Úc đã ký Thỏa thuận hỗ trợ hậu cần tương hỗ để cho phép quân đội hai nước chia sẻ căn cứ và hỗ trợ hậu cần cho nhau.
Cựu đại sứ Bhatia cho rằng việc Trung Quốc gia tăng những hành động hung hăng có thể khiến Bộ Tứ tăng cường sức mạnh.
“Tín hiệu rất rõ ràng, rằng Trung Quốc càng gây phiền phức ở khu vực thì các nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là Bộ Tứ, càng xích lại gần nhau”, ông Bhatia nói.
“Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ là khu vực cạnh tranh chiến lược quan trọng nhất đối với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc trong thập kỷ tới và xa hơn nữa. Hiện tại, Trung Quốc có vẻ cảnh giác về điều này hơn các nước khác ở khu vực”, ông Bhatia đánh giá.