Lý do Hàn Quốc sớm tiếp nhận quyền chỉ huy tác chiến thời chiến

Tổng thống Moon Jae-in muốn đòi lại quyền kiểm soát quân đội thời chiến. Ảnh minh họa: Yonhap.
Tổng thống Moon Jae-in muốn đòi lại quyền kiểm soát quân đội thời chiến. Ảnh minh họa: Yonhap.
TPO - Quan hệ liên Triều được cải thiện rõ rệt, quan hệ Triều-Mỹ, quan hệ Triều-Trung xoay quanh tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên có nhiều điểm sáng sau một loạt cuộc gặp thượng đỉnh là những nhân tố thôi thúc Hàn Quốc quyết định đẩy nhanh việc tiếp nhận quyền chỉ tác chiến thời chiến.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 10/10 cho biết, quân đội nước này sẽ đạt được hiệp định với phía Mỹ về việc tiếp nhận quyền chỉ huy tác chiến thời chiến trong Hội nghị tham vấn an ninh thường niên Hàn-Mỹ (SCM) lần thứ 50 tổ chức tại Washington (Mỹ) vào ngày 31/10 tới.

Thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh, sau khi Hàn Quốc tiếp nhận quyền chỉ huy tác chiến trong thời chiến từ phía Mỹ, cơ chế vận hành của Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹvề cơ bản vẫn không có sự thay đổi so với cơ chế hiện nay.

Tuy nhiên, sự thay đổi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh liên quân Hàn-Mỹ sẽ do một đại tướng của quân đội Hàn Quốc đảm nhiệm, và vị trí Phó tư lệnh sẽ do một thượng tướng quân đội Mỹ đảm nhận.

Theo dự kiến, liên quân Hàn-Mỹ quyết định sẽ thực thi kế hoạch kiểm nghiệm giai đoạn 1 năng lực tác chiến liên hợp do quân đội Hàn Quốc chủ trì vào năm 2019. Ngoài ra, quân độ Hàn-Mỹ sẽ tranh thủ di chuyển Bộ Tư lệnh liên quân tới Bộ Quốc phòng Hàn Quốc vào tháng 12 năm nay.

Được biết, phía Hàn Quốc đã giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Mỹ trong giai đoạn chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Theo sự nhất trí giữa 2 bên, quyền chỉ huy tác chiến thời chiến sẽ được trao lại cho Hàn Quốc vào tháng 12/2015.

Trong khoảng thời gian này, Bộ Quốc phòng 2 nước Hàn-Mỹ đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại thảo luận việc Mỹ chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc.

Vì nhiều lý do an ninh khác nhau, trong đó có lý do quan ngại việc Triều Tiên nhiều lần thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo, phía Hàn Quốc đã đề nghị lùi thời gian chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến trong thời chiến tới năm 2020.

Tuy nhiên, trong hơn 1 năm trở lại đây, tình hình Bán đảo Triều Tiên đã có những phát triển mau lẹ, quan hệ liên Triều được cải thiện rõ rệt thông qua một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều với nhiều thỏa thuận, cam kết được đưa ra.

Các nhà phân tích cho rằng, việc Hàn-Mỹ ấn định thời gian chuyển giao quyền chỉ huy tác chiến thời chiến cho Hàn Quốc sớm hơn dự kiến có liên quan mật thiết với tình hình bán đảo Tiều Tiên thời gian quan.

Trong đó, thời gian qua quan hệ Hàn-Triều đã có bước tiến đột phá với việc Triều Tiên cam kết từ bỏ hạt nhân để tập trung phát triển kinh tế và thúc đẩy quan hệ kinh tế với Hàn Quốc.

Ngoài ra, quan hệ Mỹ-Triều, quan hệ Triều-Trung liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên cũng đạt được những bước tiến lạc quan.

Một loạt các dấu hiệu khả quan trên là những nhân tố chính thôi thúc Hàn Quốc quyết định đẩy nhanh việc tiếp nhận quyền chỉ tác chiến thời chiến từ phía Mỹ sớm hơn dự kiến.

 
MỚI - NÓNG