Cựu binh Gạc Ma chật vật mưu sinh

Vợ chồng cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Lực.
Vợ chồng cựu binh Gạc Ma Nguyễn Văn Lực.
TP - 30 năm sau trận hải chiến bảo vệ Gạc Ma, những người lính sống sót trở về, nay kẻ còn người mất, nhiều người vẫn đang phải chật vật mưu sinh.   

Những ngày này, cựu binh Hồ Văn Đạo, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đang phải nằm viện điều trị bệnh xơ gan cổ trướng và cuộc sống đang được tính từng ngày.

Bà Hồng vợ ông Đạo tâm sự: Lấy nhau sau khi ông xuất ngũ và sinh được 3 người con trai. Trong một lần đi biển bị tai nạn, tai ông điếc đặc, năng suất lao động của ông bắt đầu giảm sút. Sau đó ông lại phát hiện bệnh tim mạch và bệnh mãn tính ngoài da. Của cải tích góp bao nhiêu năm vơi dần vì chữa bệnh cho ông nhưng vẫn không khỏi.

Cách đây 3 năm, sức khỏe ông yếu hẳn, bụng trướng, da vàng. Vào viện, bác sỹ chẩn đoán ông bị bệnh xơ gan cổ trướng. Mặc dù có bảo hiểm y tế, nhưng thuốc điều trị căn bệnh của ông hơn 80% phải mua ngoài. Vợ con phải giấu ông chuyện vay mượn tiền bà con, làng xóm lên đến cả trăm triệu để chữa bệnh cho ông.

Cùng cảnh ngộ với cựu binh Hồ Văn Đạo, cựu binh Nguyễn Văn Lực (xã Sơn Trạch, Bố Trạch) cũng đang nợ nần chồng chất vì căn bệnh hiểm nghèo của người vợ.

Bà Đinh Thị Hoa, vợ ông Lực bị mắc căn bệnh đái tháo đường biến chứng phải nằm một chỗ. Người con trai duy nhất đang phải tha hương kiếm sống ở tận miền Nam, một mình ông Lực chăm người vợ ốm liệt giường. Bản thân ông Lực, do bị thương nên sức khỏe giảm sút. Mới 54 tuổi nhưng lưng đã còng, tóc đã bạc trắng.

Ông Lực kể: Vợ ông đổ bệnh từ năm 2010, phải lên bàn mổ đến 3 lần do biến chứng của căn bệnh đái tháo đường. Mặc dù bán hết gia sản để thực hiện 3 đợt phẫu thuật, nhưng bà Hoa vẫn phải nằm một chỗ, không đi lại được. “Để duy trì sự sống, hiện mỗi tháng số tiền thuốc của vợ tôi phải mất hơn 5 triệu đồng. Gia đình tôi không còn nguồn thu nhập nào khác ngoài số tiền lương thương binh 1,4 triệu đồng/tháng của tôi. Để chữa bệnh cho vợ, thời gian qua tôi đã phải vay anh em bạn bè số tiền gần 100 triệu đồng. Cũng may anh em thương nên chỉ cho mượn mà không lấy tiền lãi” -  ông Lực ngậm ngùi chia sẻ.

Căn nhà nhỏ của cựu binh Gạc Ma Phạm Văn Đương nằm sâu trong một ngõ nhỏ ở làng Thượng Thôn, xã Quảng Trung, thị xã Ba Đồn (Quảng Bình).

Kể về cuộc sống hiện tại, ông Đương cho biết: Từ ngày xuất ngũ, ông Đương chí thú làm ăn nhưng cuộc sống gia đình ông hết sức chật vật. Vợ chồng ông có 4 người con đều đang còn đi học. Để nuôi sống gia đình, ông phải làm thêm đủ nghề như phụ hồ, vác  bạch đàn thuê…

Năm ngoái, trong một lần đi phụ hồ, ông bị té từ giàn giáo công trình xuống gãy mấy cái xương sườn, phải điều trị một thời gian, nay đã tạm ổn nhưng không thể tiếp tục làm những công việc nặng nhọc được nữa.

Cách nhà ông Đương không xa là nhà của cựu binh Nguyễn Thanh Xuân. Hơn 10 năm qua, ông Xuân phải tha hương vào tận miền Nam làm bảo vệ cho một trường học, vài ba năm mới về thăm nhà.

Xã Quảng Trung nằm ở vùng thấp trũng của sông Gianh, mùa mưa lũ luôn bị ngập lụt. Trong khi đó, nhà của 2 cựu binh Gạc Ma Phạm Văn Đương và Nguyễn Thanh Xuân đều lụp xụp, xuống cấp trầm trọng, máng xối bị rạn nứt, rui mèn mục nát, ngói xi măng bị vỡ nhiều mảng… Mỗi khi bão lũ, cả nhà phải di tản để bảo toàn tính mạng. “Bão thì một ngày có thể qua, nhưng lũ thì vài ba ngày, có khi ngập cả tuần. Ở nhờ nhà người ta nhiều khi rất ngại nhưng không còn cách nào khác. Ước chi có được khoản tiền, tui xây ngôi nhà nhỏ nhưng 2 tầng để vợ con đỡ khổ” - ông Đương tâm sự.

Trầm ngâm một lúc, ông Xuân tiếp lời ông Đương: “Ước mơ là thế, nhưng khoản tiền đủ xây căn nhà nhỏ như tui với ông giờ lấy đâu ra. Tuổi tác ngày càng cao, duy trì được cuộc sống là may mắn lắm rồi”.

Trong số 64 chiến sỹ hy sinh ở Gạc Ma, Quảng Bình có đến 13 liệt sỹ, hai trong số đó được phong Anh hùng LLVTND là thiếu úy, liệt sỹ Trần Văn Phương (SN 1965, quê ở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch) và trung sỹ Nguyễn Văn Lanh (SN 1966, quê ở xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh). Rất nhiều trong số những người lính sống sót trở về, cuộc sống của họ đang rất khó khăn.

MỚI - NÓNG