Hàng tỷ USD có thể được giải phóng
Bộ GTVT cho biết, sau khi có Chỉ thị 11 của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bộ này đã có kế hoạch triển khai chi tiết. Theo đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã giao các đơn vị liên quan phối hợp với Bộ KH&ĐT, Tài chính nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển hình thức đầu tư một số đoạn cao tốc từ hợp tác công - tư (PPP) sang đầu tư công.
Một số đoạn dự án được lựa chọn chuyển đổi hình thức sang đầu tư công như: đoạn Mai Sơn- QL45, đoạn QL45 - Nghi Sơn, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ... Đặc biệt, để rút ngắn thời gian triển khai thủ tục để khởi công (nếu được thông qua). Bộ GTVT cũng nghiên cứu và đề xuất giải pháp chỉ định nhà đầu tư, chỉ định thầu, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật.
Với các dự án giao thông trọng điểm có vốn lớn khác (có thể không phải đầu tư công), có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế- xã hội, điển hình như: Dự án sân bay Long Thành (Đồng Nai), mở rộng sân bay Nội Bài (nhà ga T3, T4), sân bay Tân Sơn Nhất (nhà ga T3), một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông (theo hình thức BOT). Bộ GTVT cho biết, đang khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giải ngân thực hiện dự án, không để chậm trễ như vừa qua.
Nếu những dự án trọng điểm kể trên được triển khai, một lượng vốn rất lớn sẽ được đẩy vào nền kinh tế. Cụ thể, cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ có tổng vốn đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng; Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất cần tổng vốn hơn 10.900 tỷ đồng; Dự án mở rộng sân bay Nội Bài có tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD... Riêng 3 đoạn cao tốc dự kiến có thể chuyển từ BOT sang đầu tư công sẽ có khoảng 24.000 tỷ đồng từ ngân sách được chi ra.
Nhiều vướng mắc cũ
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo Tổng Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, theo kinh nghiệm của thế giới, trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, đầu tư công thường được dùng làm đòn bẩy chiến lược. Với ảnh hưởng của dịch bệnh như hiện nay, dự kiến dòng vốn ngân sách vào các dự án hạ tầng sẽ tạo động lực cho phát triển, doanh nghiệp và người lao động có việc làm.
Vấn đề là phải có giải pháp để sớm triển khai. Trong bối cảnh này cần ưu tiên xử lý vướng mắc cho các dự án dở dang. Với VEC, hiện tại có 2 dự án đang dở dang, vướng mắc về vốn là Dự án đầu tư cao tốc Bến Lức - Long Thành và dự án đầu tư cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nếu có thể hoàn thành đi vào sử dụng đồng bộ, 2 dự án này sẽ kích thích và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế - xã hội rất nhiều. Theo lãnh đạo VEC, 2 dự án này đều sử dụng vốn vay ODA nước ngoài và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước, nhưng do vướng mắc cơ chế (VEC chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp- PV), nên hơn 1 năm nay không được giải ngân vốn để hoàn thành.
Với hàng không, hiện tại, có không ít dự án cả đầu tư công lẫn dự án kêu gọi đầu tư tư nhân đều chậm được triển khai. Điển hình như Dự án nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, dù cấp bách, nhưng đã 3 năm vẫn chưa biết ai sẽ đầu tư. Trong khi đó, đường cất/hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ phải đóng cửa. Từ năm 2017, Tổng Cty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã báo cáo Bộ GTVT và Chính phủ để tự bỏ tiền đầu tư, hoặc ngân sách đầu tư. Tuy nhiên, từ đó tới nay vẫn chưa thể đầu tư được. Khi chịu tác động của dịch Covid-19, có thể dự án này sẽ được đẩy nhanh để dùng vốn ngân sách nhà nước (tổng vốn đầu tư khoảng 4.200 tỷ đồng).
Nếu được đầu tư nâng cấp đường cất/hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài từ vốn ngân sách, Tổng Giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho rằng, điều này sẽ rất tốt và mong Chỉnh phủ đẩy nhanh triển khai. Theo ông Phiệt, khoản đầu tư này sẽ giúp khai thác 2 sân bay đảm bảo an ninh, an toàn. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng hưởng lợi, khi hoạt động hàng không ổn định. “Về phía doanh nghiệp, chúng tôi chỉ mong các dự án được đẩy nhanh tiến độ, sớm giải ngân vốn bằng cơ chế đặc thù, vì nếu giải ngân theo quy định hiện hành sẽ mất nhiều thời gian”, ông Phiệt nói.