Hàng trăm trẻ vẫn phải học trong ngôi trường ô nhiễm thuốc trừ sâu

Trường mầm non Thiệu Nguyên, nơi hàng trăm trẻ đang phải học trong sự lo sợ trường sập, ô nhiễm thuốc trừ sâu.
Trường mầm non Thiệu Nguyên, nơi hàng trăm trẻ đang phải học trong sự lo sợ trường sập, ô nhiễm thuốc trừ sâu.
Do thiếu kinh phí để xây dựng trường mầm non ở địa điểm mới, hàng trăm em học sinh đang theo học tại trường mầm non xã Thiệu Nguyên (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) vẫn phải tiếp tục học trong ngôi trường sắp sập, ô nhiễm thuốc trừ sâu…

Theo ông Nguyễn Kim Hồng - Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên thì thực trạng về việc trường mầm non của xã xuống cấp, bên cạnh đó là sự ô nhiễm khi học bên kho thuốc trừ sâu cũ, xã cũng nhận được phản ánh từ phía nhà trường cũng như phụ huynh học sinh từ lâu. Xã đã có báo cáo lên các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của xã không có đủ để di chuyển trường đến địa điểm mới.

Theo đó, trong năm học 2013 - 2014, toàn bộ ngân sách của xã Thiệu Nguyên đã dồn vào việc xây dựng cho Trường tiểu học và THCS Thiệu Nguyên.

Chính vì thế, đến nay khi không có được nguồn vốn từ cấp trên trong việc di chuyển và xây dựng Trường mầm non Thiệu Nguyên ở địa điểm mới khiến chính quyền địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn.

Hàng trăm trẻ vẫn phải học trong ngôi trường ô nhiễm thuốc trừ sâu ảnh 1

Nhiều dãy nhà, phòng học xuống cấp sắp sập gây ảnh hưởng đến các em học sinh.

“Thấy các cháu học trong các phòng học và môi trường không được đảm bảo, chúng tôi cũng lo lắng lắm. Nhưng thú thật, địa phương không có khả năng để di chuyển và xây dựng trường mầm non ở địa điểm mới. Hiện nay, mặt bằng quy hoạch địa điểm xây trường mới có rồi, nhưng xã không biết lấy đâu ra kinh phí để xây dựng”, ông Hồng cho hay.

Cũng theo ông Hồng, do trong thời gian tới chưa có kinh phí để xây dựng trường mầm non ở địa điểm mới nên xã đã đưa ra nhiều phương án khác nhau, phối hợp với nhà trường cùng thực hiện để đảm bảo an toàn cho các cháu học sinh. Để các cháu vẫn phải “học chung, sống chung” trong ngôi trường sắp sập, ô nhiễm thuốc trừ sâu xã Thiệu Nguyên cùng nhà trường đưa ra nhiều phương án.

Hàng trăm trẻ vẫn phải học trong ngôi trường ô nhiễm thuốc trừ sâu ảnh 2

Học sinh vẫn phải học trong những căn phòng hư hỏng, xuống cấp.

Về nguồn nước sinh hoạt của các cháu học sinh trong trường, cán bộ, giáo viên trong nhà trường phải lấy nguồn nước từ nơi khác về để đảm bảo nguồn nước sạch cho học sinh sinh hoạt, ăn ở bán trú. Thường xuyên theo sát, lắng nghe ý kiến từ phía trường về tình trạng xuống cấp của các dãy nhà, các phòng học để có sự khắc phục kịp thời để đảm bảo an toàn cho học sinh.

Bên cạnh đó, khu vực dãy phòng học gần bên khu đất ô nhiễm thuốc trừ sâu (kho thuốc sâu cũ) đã được nhà trường cùng chính quyền khoanh vùng và dựng tường ngăn cách tách biệt, hạn chế học sinh không cho lại gần khu vực ô nhiễm này.

Ngoài ra, thông báo cho học sinh nghỉ học nếu có diễn biến thời tiết bất thường như mưa to, bão lũ để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu học sinh.

“Nếu không có việc bị ô nhiễm từ thuốc trừ sâu thì địa phương có thể khắc phục dần dần việc xuống cấp cơ sở vật chất của nhà trường. Tuy nhiên, giờ phải di chuyển, xây mới toàn bộ trường nên cũng quá khó khăn cho xã. Giờ chưa xây mới, di chuyển được nhưng bằng giá nào chúng tôi cũng phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu. Không để các cháu phải nghỉ học về một lý do nào đó”, ông Hồng chia sẻ.

Hàng trăm trẻ vẫn phải học trong ngôi trường ô nhiễm thuốc trừ sâu ảnh 3

Không có phòng học kiên cố, các cháu học sinh phải học dưới nền nhà lót tấm bạt lên trên.

Việc xây dựng trường theo nhiều giai đoạn được xã đưa ra là sẽ xây dựng dần dần các phòng học ở điểm trường mới, sau đó sẽ chuyển học sinh ra khỏi ngôi trường cũ theo từng giai đoạn. Các học sinh đang học gần khu ô nhiễm thuốc trừ sâu, những phòng học đã xuống cấp nhiều được chuyển ra trước, sau đó các em khác sẽ được chuyển ra sau.

Theo ông Chủ tịch xã Thiệu Nguyên, nếu theo phương án này thì tất cả các công trình phúc lợi của xã đều phải nhường nguồn vốn cho trường mầm non. Bên cạnh đó, hết năm học này sang năm học sau các cháu học sinh vẫn chưa được học trong ngôi trường mới hoàn toàn.

“Vấn đề cấp thiết nhất bây giờ là làm sao nhanh xây dựng được cho các cháu một ngôi trường mới để yên tâm học tập. Đó là vấn đề hàng đầu mà chính quyền địa phương cũng như người dân luôn mong mỏi”, ông Hồng nói.

Theo Thái Bá

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG