Hơn 400 tàu cá đã neo đậu ở phía nam TP Tam Á của đảo Hải Nam để chờ hết lệnh cấm đánh bắt kéo dài 3 tháng rưỡi, Nhật báo Tam Á đưa tin ngày 11/8.
Nhiều tàu đang neo đậu ở phần khác của đảo Hải Nam và các tỉnh gần Biển Đông cũng sẽ trở lại vùng biển giàu tài nguyên này.
Nhiều quốc gia cáo buộc đội tàu của Trung Quốc là lực lượng dân quân biển, vừa đánh bắt vừa thực thi quyền kiểm soát thực tế của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bối cảnh tranh chấp và đánh bắt quá mức, tài nguyên hải sản ở Biển Đông đang đối mặt với những mối đe doạ nghiêm trọng.
Từ năm 1999, Trung Quốc thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá ở vùng biển này theo giai đoạn, sau đó mở rộng từ 2 tháng lên 3 tháng rưỡi.
Năm nay, Trung Quốc tiếp tục đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông, bao gồm khu vực Vịnh Bắc Bộ, từ ngày 1/5-16/8.
Các nhà nghiên cứu Mỹ như Andrew Erickson khẳng định đội dân quân đội lốt tàu cá của Trung Quốc hoạt động bằng ngân sách, thường sử dụng lợi thế và các quyền của tàu cá để “chiếm đóng” một vùng biển hoặc ngăn nước khác tiếp cận hoặc xua đuổi các tàu cá khác. Dù là tàu dân sự, đội dân quân biển thuộc quyền kiểm soát và tổ chức của nhà nước.
Từ tháng 3 năm nay, Trung Quốc điều hơn 200 tàu cá neo đậu đáng ngờ ở khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh nói đó là các tàu cá đang neo đậu để tránh thời tiết xấu, nhưng nhiều chuyên gia quốc tế khẳng định đó là các tàu dân quân biển hoạt động dưới vỏ bọc tàu cá.