Hàng trăm tàu cá ở Kiên Giang nằm bờ vì xăng dầu tăng cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Qua rà soát, tỉnh Kiên Giang có khoảng 900 tàu cá nằm bờ chưa ra khơi hoạt động khai thác. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do nguồn lợi thuỷ sản suy giảm, giá xăng dầu tăng cao…
Hàng trăm tàu cá ở Kiên Giang nằm bờ vì xăng dầu tăng cao ảnh 1

Chi phí xăng dầu tăng cao khiến việc đánh bắt thuỷ sản gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Chi Cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNN) tỉnh Kiên Giang, qua rà soát, trong tổng số 3.976 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên của tỉnh hiện có hơn 900 tàu cá nằm bờ chưa ra khơi hoạt động khai thác. Trong đó, số tàu cá nằm bờ dài hạn khoảng 300 tàu, còn lại khoảng hơn 600 tàu chưa xuất bến hoạt động khai thác.

Qua nắm thông tin từ các chủ tàu, hơn 600 tàu cá chưa xuất bến khai thác do thời điểm sau Tết Nguyên đán sản lượng khai thác thủy sản không cao.

Bên cạnh đó, nguồn lợi thủy sản trong thời gian qua đang suy giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh nên một số chủ tàu còn e ngại hoạt động khai thác trong một số thời điểm nguồn lợi thủy sản không dồi dào như hiện nay.

Một số chủ tàu có điều kiện kinh tế khó khăn trong khi không đủ điều kiện vay vốn nên cũng cân nhắc cho tàu xuất bến hoạt động. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây giá dầu tăng cao, cùng với đó, giá vật dụng, nhu yếu phẩm cũng tăng đã tác động mạnh đến các chủ tàu trong việc cho tàu hoạt động nhất là các chủ tàu có điều kiện kinh tế yếu.

Ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá TP. Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, ảnh hưởng dịch COVID-19 vừa qua, nay thêm giá xăng dầu tăng cao đã khiến người lao động gặp nhiều khó khăn. “Một chuyến biển 30 ngày thì mỗi tàu cần khoảng 45.000 lít dầu, trên 1 tỷ đồng; tiền công lao động, tiền ngư cụ, lương thực… khoảng 800 triệu đồng. Trung bình mỗi chuyến tàu ra khơi chi phí là 1,8 tỷ đồng. Hiện nay sản lượng thấp, chi phí cao nên việc đánh bắt không có lời”, ông Ngữ nói.

Ông Ngữ cho biết thêm, mấy ngày qua tại Kiên Giang, tàu cá vào bờ rất đông (trên dưới 1.000 tàu), do giá xăng dầu tăng cao. Đa số những tàu cá đánh bắt xa bờ, có khoảng 80% là vay vốn ngân hàng.

"Việc cho tàu cá nằm bờ cũng chết mà cho tàu đi khai thác cũng chết vì thua lỗ. Đây là khó khăn chung không riêng gì của tỉnh Kiên Giang mà cả nước nói chung", ông Ngữ thông tin.

Ông Nguyễn Quốc Trường – Chi cục phó Chi cục Thuỷ sản tỉnh Kiên Giang cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNN về tăng cường công tác tuyên truyền các quy định về khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; nâng cao ý thức cộng đồng ngư dân về ý thức bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên biển nhất là các hành vi khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản, khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Hiện, Sở NN&PTNN đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Chi cục Kiểm ngư nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật thủy sản trên biển góp phần phục hồi nguồn lợi thủy sản trên vùng biển Kiên Giang.

Tổ chức thực hiện các giải pháp của dự án “Điều tra các nghề khai thác thủy sản vùng lộng và vùng ven bờ tỉnh Kiên Giang, đề xuất sắp xếp lại cơ cấu nghề khai thác tỉnh Kiên Giang” nhằm tổ chức lại hoạt động nghề cá của tỉnh tạo điều kiện phục hồi nguồn lợi thủy sản nhất là nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ.

Cùng với đó, thực hiện Đề án khôi phục ngành thủy sản tỉnh, từng bước cũng cố hạ tầng nghề cá cũng như đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ tàu, ngư dân hoạt động sản xuất thủy sản. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn của ngư dân trong tình hình hiện nay, nhất là về hỗ trợ vay vốn, giá nhiên liệu, nhu yếu phẩm … phục vụ hoạt động khai thác thủy sản.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.