Hàng trăm hộ dân mắc kẹt trong ô nhiễm

Người dân Đại Phú bức xúc phản đối nhà máy. Ảnh: N.T
Người dân Đại Phú bức xúc phản đối nhà máy. Ảnh: N.T
TP - Gần 400 hộ dân thôn Đại Phú, xã Tam Hiệp (Núi Thành, Quảng Nam) đang rất bức xúc vì bị tiếng ồn, khói bụi, mùi hôi nước thải ô nhiễm từ nhà máy sản xuất Soda Chu Lai tra tấn.

Hôi thối không nguy hiểm?!

Nhà máy sản xuất Soda do Cty CP Sản xuất Sô Đa Chu Lai làm chủ đầu tư công suất 200.000 tấn/năm. Nguyên liệu sản xuất chính là muối ăn (NaCl), đá vôi (CACO3), Amoniac (NH), với nhiên liệu là than antraxit Hòn Gai, than cám và carbon đen. Báo cáo tác động môi trường (ĐTM) do Bộ TN&MT phê duyệt tháng 4/2010.

Tháng 7/2015, nhà máy vận hành, cũng là lúc người dân xung quanh bị tra tấn bởi tiếng ồn và mùi hôi thối phát ra từ nhà máy. Đỉnh điểm vào ngày 17/7 vừa qua, khi phát hiện cá chết tại các hồ nuôi và trên sông Trường Giang, người dân tụ tập tại cổng nhà máy yêu cầu ngừng sản xuất, khẩn trương khắc phục hậu quả. Ông Nguyễn Tấn Thành, 60 tuổi, một hộ dân sống gần nhà máy cho biết: Vì tiếng ồn và mùi hôi thối, con em trong làng phải sơ tán cách xa nhà máy mới có thể học bài.

Cũng theo ông Thành, khi người dân tập trung phản đối thì người của Cty ra giải thích mùi hôi thối là “không nguy hiểm”. Còn tiếng ồn là do nhà máy đang trong quá trình chạy thử. Nước thải thì đã qua xử lý. Tuy nhiên, người dân vẫn không đồng tình. Nước thải đã xử lý nhưng sao cá vẫn chết trắng. Khi người dân phát hiện tố cáo có một mương nước xả thẳng từ nhà máy ra ngoài, nhà máy lại tiến hành lấp đi, xóa dấu vết.

Ông Lê Minh Sa, trưởng thôn Đại Phú, cho biết: Sáng 17/7, người dân trong thôn phát hiện nhà máy xả thải, xả trực tiếp ra sông Trường Giang với thứ nước màu đục trắng, đến trưa nước chuyển qua màu đen khiến cá chết trắng sông. Cùng với việc tiếng ồn và hôi thối, người dân trong thôn kéo lên nhà máy phản đối. Đến ngày 20/7 mới có công an đồn Khu kinh tế mở Chu Lai đến làm việc lập biên bản. Nguyện vọng lâu dài của bà con là được di dời đi chỗ khác để cách xa khu công nghiệp này.

10 năm mắc kẹt giữa khu công nghiệp

  Đại diện BQL khu kinh tế mở Chu Lai, cho biết từ đầu tháng 6/2014 khi nhà máy chạy thử nghiệm (chạy không tải) người dân đã phản ánh về chất thải màu đen chảy ra môi trường làm cá chết và phát sinh tiếng ồn lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Qua kiểm tra thực tế, phát hiện nhà máy chưa có các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường tại bãi chứa nhiên liệu (cho trạm nhiệt điện) và tuyến đường vận chuyển than vào khu vực đốt; chưa thu gom triệt để chất thải rắn, chưa thực hiện việc quản lý chất thải nguy hại theo đúng quy định. Hệ thống thoát nước mưa bị vùi lấp một phần không đảm bảo hoạt động thoát nước, nước mưa chảy tràn có chứa carbon đen và than chưa được thu gom, xử lý…

Còn phía nhà máy giải trình là do đang tiến hành khởi động lò hơi và sục rửa đường ống bằng khí nén. Tiếng ồn và khí thải này chỉ phát sinh tạm thời, gián đoạn và sẽ xử lý đảm bảo quy chuẩn quy định trước khi xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo người dân, sau khi cơ quan chức năng kiểm tra, đến nay mọi việc vẫn không hề tiến triển, người dân vẫn sống trong ô nhiễm.

Điều đáng nói, theo trưởng thôn Lê Minh Sa, thôn Đại Phú lọt thỏm giữa khu công nghiệp, toàn bộ nhà cửa, vườn tược của 400 hộ đã được đo đạc kiểm kê từ năm 2005 nhưng đến nay hơn 10 năm vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Những năm qua, trong thôn đã có hơn 40 trường hợp bị ung thư chết, chủ yếu là ung thư phổi, khiến người dân rất lo sợ. Người dân muốn đi khỏi đây nhưng không biết đi đâu vì không có tiền, không có đất.

Ông Lê Vũ Thương, Phó BQL Khu kinh tế mở Chu Lai, cho biết: Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Cty nhanh chóng khắc phục sự cố vừa qua và các tồn tại, thiếu sót trong công tác bảo vệ môi trường, tăng cường phối hợp với địa phương giải thích, đối thoại với người dân khu vực về kế hoạch vận hành thử nghiệm, quy trình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường của nhà máy.

MỚI - NÓNG