Hàng nghìn ​hộ dân khát nước sạch

Phèn bám vào các vật dụng lấy nước và bể lọc làm đổi màu.
Phèn bám vào các vật dụng lấy nước và bể lọc làm đổi màu.
TP - Ðã bao đời nay, người dân tại xã Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) phải dùng nguồn nước nhiễm phèn để sinh hoạt, dù biết sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Nước ô nhiễm vẫn phải dùng

Chỉ tay vào giếng nước trước nhà, ông Hoàng Kim Định (61 tuổi, thôn Vĩnh Thọ) ngán ngẩm cho biết: Nước ở đây bị nhiễm phèn đã mấy đời nay, nhưng thời gian gần đây tình trạng nhiễm phèn ngày một nặng hơn. Mặc dù hầu hết các hộ dân trong vùng đã làm bể lọc, nhưng nước nhiễm phèn quá nặng, chỉ xử lí được màu vàng, còn mùi tanh thì không thể.

“Gia đình tui tôi có sáu người, trong đó có bốn người lớn và hai đứa trẻ, hằng ngày vẫn phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn này. Tui già rồi thì không sợ chứ để mấy đứa nhỏ dùng tội lắm. Nước bẩn như vậy, ăn, uống vào không bị bệnh này thì cũng bệnh khác. Biết vậy nhưng đành chung sống thôi” - ông Định nói.

Cách nhà ông Định không xa, bà Hoàng Thị Xuyến (50 tuổi, thôn Thượng Thọ) cho biết: Thấy nguồn nước giếng bị nhiễm phèn nặng nên gia đình bà đã thuê người làm giếng khoan sâu hơn 20m với hi vọng có nguồn nước đỡ phèn để dùng. Tuy nhiên, khi khoan xong đưa nước lên sử dụng cũng không khá hơn nước giếng là mấy. “Bỏ ra mấy chục triệu làm giếng khoan, cuối cùng chúng tôi vẫn phải dùng nước bị nhiễm phèn” - bà Xuyến nói.

Theo người dân địa phương, hiện cả nguồn nước giếng khơi và giếng khoan đều bị ô nhiễm nặng. Nước khi đưa từ giếng lên có màu vàng, mùi tanh, để một thời gian trên mặt nước sẽ đóng váng, còn dưới đáy nước sệt lại như “cháo bí”.

Để hạn chế độ phèn người dân đã tận dụng các thùng nhựa, lu vại... để lọc nước. Bể lọc gồm nhiều lớp vật liệu như: cát, sỏi, than hoạt tính… Người dân thường lọc đi lọc lại nhiều lần trước khi sử dụng. Nước sau khi lọc có nhìn sạch hơn nhưng vẫn còn mùi hôi tanh.

Để có nước sạch sử dụng người dân phải trả 5.000 đồng cho bình 20 lít khi mua từ một đơn vị ở xã láng giềng. Tính ra 1m3 nước có giá 250.000 đồng, cao gấp hàng trăm lần so với giá nước trên thị trường.

Khao khát nước sạch

“Nước sạch là đòi hỏi chính đáng và cấp thiết hiện nay của người dân. Có nguồn nước sạch sử dụng sẽ góp phần ổn định đời sống người dân. Đây cũng là khao khát của hàng nghìn hộ dân từ trước đến nay” - ông Hoàng Văn Quyết, trưởng thôn Vĩnh Thọ nói.

Ông Hoàng Anh Dũng, Chủ tịch UBND xã Cảnh Hóa cho biết, xã có 7 thôn, nhưng hiện tại chỉ có khoảng 15% dân số xã có nước sạch sử dụng. Chủ yếu là các hộ gia đình ở các thôn Kinh Nhuận và Kinh Tân, tự kéo nguồn nước sạch từ xã Văn Hóa và xã Tiến Hóa huyện Tuyên Hóa về. Vẫn biết nước sạch đối với người dân là vấn đề cấp thiết, nhưng chính quyền xã cũng bó tay vì không có nguồn lực. Hiện ở 2 thôn Vĩnh Thọ và Thượng Thọ có nguồn nước ô nhiễm nặng nhất nhưng vẫn chưa có cách giải quyết. Chính quyền chỉ biết vận động, hướng dẫn bà con xây bể chứa nước mưa, hoặc lắng lọc để dùng.

Theo ông Dũng, trước đây đã có dự án nước sạch lấy từ Rào Nan về cung cấp cho 22 xã thuộc huyện Quảng Trạch nhưng hiện tại vẫn chưa được triển khai. Ðịa phương cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp cao hơn trong vấn đề hỗ trợ nguồn nước sạch cho người dân. Tuy nhiên, vì lí do kinh phí mà công tác này vẫn chưa được thực hiện. Xã mong muốn các tổ chức quan tâm, hỗ trợ chính quyền, người dân trong việc cấp nước sạch.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.