Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius và Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho biết, Chính phủ Pháp sẽ trợ giúp những người Kito giáo bị đuổi khỏi Mosul.
Đây là nơi quân Hồi giáo cực đoan đã thiết lập cái gọi là Nhà nước Hồi giáo, gọi tắt IS vào tháng 6/2014.
Phần lớn những người Kito giáo đã tìm được nơi ẩn náu ở Kurdistan. Tuy nhiên, họ phải sống tạm bợ trong các trại hoặc trường học được chuyển đổi thành nơi trú ẩn tạm thời.
Một trong số họ cho biết, không muốn quay lại và muốn được đến châu Âu. Ở Iraq, nhiều người đã phải chết, họ đã phải chịu đựng quá nhiều. Tuy nhiên, “con đường” để họ có thể rời khỏi Iraq có thể vẫn còn xa vời.
Trong một tuyên bố mới đây, Chính phủ Pháp cho biết, họ sẽ hỗ trợ những người lưu đày, mất nhà cửa, cũng như những người đang tị nạn tại Kurdistan. Họ cũng sẵn sàng tạo điều kiện cho những người này tị nạn tại lãnh thổ Pháp.
Tổng thống Pháp, ông Francois Hollande, sẽ có bài phát biểu liên quan những người tị nạn tại tổng lãnh sự ở Erbil, Iraq. Tuy nhiên, theo một số nguồn tin, Chính phủ Pháp không nói rõ sẽ trợ giúp như thế nào và sẽ nhận bao nhiêu người tị nạn.
Theo ước tính của Hiệp hội Hỗ trợ Dân tộc Thiểu số Phương đông (AEMO), khoảng 10 ngàn hồ sơ của người Kito giáo nộp cho lãnh sự quán tại Erbil kể từ khi những chiến binh IS bắt đầu các cuộc tấn công ở Iraq.
Tại Iraq và Syria, những chiến binh Kito giáo buộc phải lựa chọn chuyển sang đạo Hồi hoặc nộp một khoản tiền nếu không sẽ bị đe dọa và giết cả gia đình.
Hiện nay, mới chỉ có khoảng 50 người Kito giáo ở Iraq được phép đến Pháp.
Số lượng người theo Kito giáo giảm mạnh kể từ khi Mỹ phát động cuộc chiến tranh tại Iraq vào năm 2003.
Trước 2003, khoảng 1 triệu người Kito giáo ở Iraq, 600 ngàn ở Baghdad, 60 ngàn tại Mosul, số còn lại chủ yếu là ở thành phố Kirkuk và thành phố Basra. Đến nay, con số này chỉ còn khoảng 400 ngàn trên toàn lãnh thổ Iraq.