Hàng loạt taxi Vinasun dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab

Hàng loạt taxi Vinasun dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab
TPO - Ngày 9/10, vẫn còn nhiều xe taxi Vinasun ở TPHCM dán đuôi xe dòng chữ “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” khiến nhiều người đi đường tò mò.

Tài xế hay công ty dán biểu ngữ?

Chạy dọc nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM, người đi đường có thể bắt gặp khá nhiều chiếc taxi có dán biểu ngữ trên đang lưu thông trên đường phố.

Như các tuyến đường Bến Vân Đồn (quận 4), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3), Trần Hưng Đạo (quận 1), Nguyễn Tri Phương (quận 5),…

Trả lời báo chí, ông Tạ Long Hỷ, Phó giám đốc Vinasun cho rằng việc dán các khẩu hiệu trên xe không xuất phát từ công ty mà là từ các tài xế. Ông Hỷ cho rằng việc dán khẩu hiệu này cũng là bình thường, không có gì sai phạm.

Tuy nhiên, ông Tạ Long Hỷ nhắc lại sẽ giao cho cấp dưới tìm hiểu lý do các tài xế dán khẩu hiệu này.

Hàng loạt taxi Vinasun dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab ảnh 1

Ngày 8/10, tại TPHCM, nhiều taxi Vinasun dán bảng phản đối Uber, Grab trên xe. Ảnh Văn Minh.

Trong khi đó, một số tài xế taxi Vinasun lại nói rằng việc dán khẩu ngữ này là theo yêu cầu của công ty.

Đến ngày 9/10, trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh một số tài xế taxi đã tháo biểu ngữ ra khỏi đuôi xe taxi.

Tuy nhiên, theo quan sát của PV, đến trưa cùng ngày trên nhiều tuyến đường vẫn còn nhiều chiếc taxi có đuôi mang biểu ngữ “Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam” chạy trên đường.

Vụ việc này bắt đầu từ sáng 8/10, khi người đi đường thấy nhiều đuôi xe taxi Vinasun dán những biểu ngữ trên để phản đối Uber và Grab. Đây được xe là đỉnh điểm của cuộc “đại chiến” giữa các hãng taxi truyền thống và taxi “công nghệ” suốt những năm qua.

Trước đó, tại Hà Nội, nhiều taxi cũng đã dán biểu ngữ phản đối quyết định 24 của Bộ Giao thông vận tải về thí điểm kiểu xe Uber và Grab.

Có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) nhìn nhận, khẩu hiệu "Yêu cầu Uber và Grab tuân thủ pháp luật Việt Nam" mà các tài xế của hãng taxi Vinasun dán trên xe có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh. Đây được xem là hành vi "Gièm pha doanh nghiệp khác", hành vi này bị cấm theo Điều 39 Luật Cạnh tranh 2004.

Luật sư Chánh giải thích, theo quy định về hành vi gièm pha doanh nghiệp nêu rõ là cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

“Vì vậy, Uber hay Grab có quyền khiếu nại đến Cơ quan quản lý cạnh tranh nếu cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh”, luật sư Chánh nói.

Nói về trách nhiệm giải quyết vụ việc trên, theo luật sư Chánh thì do Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương)thụ lý, tổ chức điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh khác theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có hành vi gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, thì theo Điều 31 Nghị định 71/2014 của Chính phủ, sẽ bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng. Trong trường hợp hành vi vi phạm này được thực hiện trên phạm vi từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50-100 triệu đồng.

Trước vụ việc này xảy ra, Hiệp hội taxi TPHCM đã có văn bản tỏ sự đồng tình đối với Hiệp hội taxi Hà Nội về việc yêu cầu dừng thí điểm xe hợp đồng điện tử đối với xe 9 chỗ ngồi trở xuống. Trong đó nêu rõ Uber và Grab đã gây ra nhiều hệ lụy. Nhất là về vấn đề thuế. Năm 2016 giới taxi truyền thống TPHCM đóng gần 1000 tỷ đồng tiền thuế, trong khi Uber và Grab chỉ đóng 5 tỷ. Ngoài ra, hai hiệp hội taxi này cũng cho rằng số xe chạy Uber và Grab đang tăng lên nhanh quá, phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc giao thông.

MỚI - NÓNG