Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết tháng 9, thời tiết khô hạn vẫn tiếp tục xảy ra ở nhiều hồ thủy điện trên cả nước, lượng nước về vẫn ở mức rất thấp so với trung bình nhiều năm.
Tính đến hết đầu tháng 10/2019, mức nước của 26/37 hồ chứa thủy điện của EVN ở mức thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Tổng dung tích hữu ích hiện có ở các hồ chứa thủy điện khoảng 19,67 tỷ m3, thấp hơn cùng kỳ năm 2018 khoảng 7,67 tỷ m3 (tương đương gần 2 tỷ kWh điện). Nước về các hồ thủy điện thiếu hụt khiến điện sản xuất các nhà máy thủy điện trong các tháng đầu năm chỉ đạt 51,98 tỷ kWh, giảm 18,3% (giảm 11,7 tỷ kWh) so cùng kỳ năm 2018. Cùng với thiếu nước, việc cung ứng than cho phát điện hết sức khó khăn trong bối cảnh các nhà máy nhiệt điện đã phải huy động cao trong 9 tháng đầu năm.
Đặc biệt, tại hồ thủy điện Hòa Bình, năm nay thời tiết khô hạn cực đoan khiến mực nước vẫn thấp hơn 10 mét so với cùng kỳ hàng năm, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát điện và tích nước hồ chứa.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, trong mùa lũ năm nay, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đưa công trình vào vận hành đến nay. Mực nước tại hồ Hòa Bình ngày 22/10/2019 là 106,7 m thấp hơn mực nước dâng bình thường là 10,3m, dung tích hữu ích của hồ Hòa Bình ở mực nước 117 m là 6,06 tỷ m3, như vậy hồ chứa hiện tại còn thiếu hụt khoảng 2 tỷ m3 nước. Dự kiến sản lượng điện của công ty sẽ không đạt theo kế hoạch dự kiến từ đầu năm 2019 là 9,575 tỷ kWh.
“Trong 20 ngày đầu tháng 10/2019, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống là 13,2 tỷ kWh, trong đó EVN phải huy động 178 triệu kWh từ các nguồn điện dầu với giá thành lên tới 5.000 đồng/kWh. Các nguồn điện dầu dự kiến sẽ phải huy động cao trong 3 tháng cuối năm sẽ là thách thức lớn đối với tình hình tài chính của tập đoàn”, EVN cho hay.