Đắk Nông:

Hàng loạt cán bộ “xài” bằng giả

Nơi công tác của ông Lạc và ông Phát.
Nơi công tác của ông Lạc và ông Phát.
TP - Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều cán bộ sử dụng văn bằng giả. Một số cán bộ bị phát giác vì sử dụng văn bằng giả vẫn bao biện, cho rằng mình là… nạn nhân.

“Dính” văn bằng giả, người kỷ luật, người không

Trong quá trình điều tra một số cán bộ ở tỉnh Gia Lai sử dụng văn bằng không hợp pháp, Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã phanh phui được cả một đường dây sản xuất văn bằng chứng chỉ giả “khủng” xuyên quốc gia.

Theo kết luận điều tra, một số cán bộ của tỉnh Gia Lai đã liên hệ với đối tượng Nguyễn Quốc Hương (SN 1976, trú tại khối 9, phường Ea Tam, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), móc nối với đối tượng Lê Quang Lâm (SN 1988, trú tại thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang) để mua bán văn bằng, chứng chỉ giả. Các đối tượng khai nhận đã dùng mạng xã hội facebook, zalo, gmail làm phương tiện dịch vụ để trao đổi thông tin cá nhân của khách hàng. Khi có “sản phẩm”, sẽ giao nhận cho khách bằng đường bưu điện. Hình thức thanh toán, sau khi khách nhận bằng (chứng chỉ) mới thu lệ phí, hoặc chuyển qua tài khoản ngân hàng.

Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Gia Lai phát hiện trên trang chủ cá nhân zalo của Hương có hình ảnh chụp chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm (NVSP) giả của 3 người, gồm: ông Cao Văn Lạc - Giám đốc Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút (nay là Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút); ông Hà Phước Phát - Trưởng phòng Tổ chức của Trung tâm dạy nghề huyện Cư Jút (nay là Tổ trưởng tổ Hành chính Tổng hợp của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cư Jút); và bà Trần Thị Hạnh - Trưởng phòng Tư pháp huyện Cư Jút (đều của tỉnh Đắk Nông).

Ông Lê Văn Mừng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) huyện ủy Cư Jút cho biết, sau khi tiếp nhận công văn đề nghị xử lý 3 cán bộ nói trên của Công an tỉnh Gia Lai, UBKT đã thực hiện hình thức kỷ luật khiển trách về mặt Đảng và chính quyền đối với 2 ông Phát, Lạc. “Những cán bộ nói trên bị xử lý vì vi phạm về thủ tục hành chính trong việc đăng ký học NVSP, cung cấp thông tin cá nhân, nộp tiền cho đối tượng không rõ địa chỉ, dẫn đến bị đối tượng in, mua bán và phát tán chứng chỉ trên mạng xã hội. Anh Lạc là người đứng đầu cơ quan, nhưng giám sát quản lý cán bộ dưới quyền chưa tốt, dẫn đến việc sử dụng chứng chỉ NVSP giả. Còn đối với chị Hạnh, mới chỉ nộp hình ảnh và thông tin cho anh Lạc, nên không bị kỷ luật” - ông Mừng nói.

Còn 3 cán bộ này lý giải, họ nộp tiền để đi học cho vui, chứ không phải để làm bằng giả. Tuy nhiên, trước đó khi làm việc với Phòng An ninh Điều tra Công an tỉnh Gia Lai, chỉ có ông Phát là thành khẩn khai nhận, rồi giao nộp lại chứng chỉ NVSP giả; còn bà Hạnh và ông Lạc thì chối bỏ.

Làm việc với phóng viên, ông Phát một mực “kêu oan”, cho rằng mình là nạn nhân, bị lừa, chứng chỉ NVSP ông đang cất trong tủ, chưa cần sử dụng. Còn bà Hạnh thì không muốn nhắc đến “chuyện này” nữa. Bà Hạnh nói: “Tôi chỉ còn ít năm nữa là nghỉ hưu nên cần chứng chỉ NVSP để đi giảng dạy ở các trung tâm. Tôi mới nộp ảnh và thông tin từ sổ hộ khẩu thông qua anh Lạc để đăng ký lớp học NVSP ngắn hạn. Chuyện này đã được nhắc trước cuộc họp để rút kinh nghiệm”.

Do liên quan đến chứng chỉ NVSP giả, khi sáp nhập giữa Trung tâm giáo dục nghề nghiệp và Trung tâm giáo dục thường xuyên, ông Lạc không được bổ nhiệm làm giám đốc. Chức vụ này hiện nay do một phó chủ tịch UBND huyện Cư Jút đảm nhiệm. “Thực tế tôi không vi phạm gì hết! Trung tâm của tôi liên kết với trung tâm Việt Lào ở thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) để mở lớp đào tạo NVSP ngắn hạn tại huyện Cư Jút. Tôi là người tổng hợp những người có nhu cầu học rồi nộp hồ sơ. Do số lượng đăng ký ít, nên lớp này không tổ chức được. Cá nhân tôi chưa nhận được gì, nên chẳng biết văn bằng đó giả hay thật!” - ông Lạc cho biết.

Hàng loạt cán bộ bị xử lý

Hàng loạt cán bộ “xài” bằng giả ảnh 1

Một văn bằng giả bị phát hiện

Theo thống kê, từ năm 2015 đến nay cơ quan chức năng ở Đắk Nông đã phát hiện và xử lý gần 20 trường hợp các cán bộ của tỉnh này sử dụng văn bằng giả. Điển hình gần đây nhất, UBND huyện Tuy Đức đã phát hiện và xử lý 4 cán bộ chủ chốt của xã Quảng Tâm không có bằng Trung học phổ thông nên đã kỷ luật đối với 4 vị cán bộ này.

Cụ thể, cách chức huyện ủy viên, bí thư Đảng ủy xã; cảnh cáo về mặt chính quyền đối với chức Chủ tịch HĐND xã của ông Điểu Phi Á. Phòng Nội vụ huyện Tuy Đức đang tham mưu cho UBND huyện sẽ cách chức Phó Chủ tịch HĐND xã Quảng Tâm đối với ông Nguyễn Thanh Sơn; chức chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã đối với ông Lê Duy Tôn và chức Trưởng Công an xã đối với ông Trần Xuân Quang.

Trước đó, vào năm 2015, 10 cán bộ thuộc xã Quảng Tân (huyện Tuy Đức) sử dụng bằng THPT bất hợp pháp cũng bị xử lý nghiêm. Liên quan đến sử dụng văn bằng giả, ngày 13/5/2016, UBND huyện Đắk Mil đã ra quyết định cách chức Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn đối với ông Phạm Đức Châu.

Đặc biệt, tháng 7/2015 UBKT tỉnh Đắk Nông đã cách chức ủy viên ban thường vụ, ủy viên Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phòng Tham mưu thuộc Đảng bộ Quân sự tỉnh Đắk Nông đối với thượng tá Lê Minh Quý (Phó tham mưu trưởng, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông) vì sử dụng bằng cấp 3 (hệ bổ túc) giả.

Cũng trong năm 2015, UBKT tỉnh Đắk Nông phát hiện ông Phan Đình Hiến – nguyên Chủ tịch UBND huyện Đắk Song trình độ 9/12 nhưng lại ghi trong lý lịch là 12/12. Sau khi không trúng cử vào Ban chấp hành Đảng bộ huyện Đắk Song nhiệm kỳ 2015-2020, ông Hiến được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó giám đốc Sở TNMT tỉnh Đắk Nông.

MỚI - NÓNG