Táo Trung Quốc to, tròn, đỏ au. |
Scandal mới nhất: nông dân ở nhiều vùng của Sơn Đông, “vương quốc táo” của Trung Quốc dùng túi nylon bỏ nhiều chất hóa học độc hại để “ủ” táo ngay khi còn non đến khi chín đỏ.
Thậm chí khi thu hoạch, người ta cũng tiếp tục dùng một số loại chất hóa học bị cấm tẩm vào các túi giấy gói táo nhằm để trái táo tươi lâu hơn, không có tì vết, hấp dẫn thương lái và người tiêu dùng.
Những trái táo giống Phú Sĩ nổi tiếng to, tròn, đỏ au có vẻ ngoài cực kỳ bắt mắt ấy hóa ra lại mang đầy dư lượng hóa chất độc hại vì tiếp xúc lâu dài và trực tiếp với đủ loại thuốc trừ sâu.
Trước scandal táo “ủ” thuốc sâu chỉ vài hôm là vụ phát hiện nấm kim châm ngâm hóa chất cực độc, có thể gây ung thư ở tỉnh Phúc Kiến.
Khó có thể loại bỏ khả năng táo Trung Quốc nhiễm hóa chất, nấm kim châm bẩn không có mặt ở thị trường Việt Nam.
Mỗi năm, chỉ riêng tỉnh Sơn Đông đã sản xuất hàng triệu tấn táo phục vụ trong nước và xuất khẩu cùng tình trạng hàng nhập lậu qua biên giới Việt-Trung lúc nào cũng được mô tả là “nóng bỏng”.
Trở lại vấn đề mất an toàn vệ sinh đối với hàng hóa mà cụ thể là đồ ăn thức uống nhập từ Trung Quốc tuy không có gì mới nhưng chắc chắn vẫn rất thời sự.
Bởi ai cũng biết rằng trên thị trường nước ta có đủ loại hàng hóa từ Trung Quốc và khả năng kiểm soát còn hạn chế của các cơ quan chức năng sẽ tạo ra nhiều kẽ hở cho hàng thực phẩm bẩn tuồn vào nước ta.
Không chỉ táo, lê, hay một số loại trái cây khác, nhiều tỉnh thành phía Bắc như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh…, hay một số tỉnh phía Nam có đường biên giới như Kiên Giang, Long An, Tây Ninh… đều thấy xuất hiện những loại thực phẩm, đồ uống nhập lậu từ Trung Quốc như mì chính (bột ngọt), thịt và nội tạng lợn, gà, bánh kẹo, sữa…, và một số loại rượu.
Từng có một chuyên gia trong lĩnh vực thương mại phải thốt lên trước tình trạng buôn lậu từ bên kia biên giới: “Hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam chẳng khác nào “đổ dốc” mà không gặp rào chắn”.
Trong khi đó, giới chức Trung Quốc đã phải thừa nhận an toàn vệ sinh thực phẩm ở nước này đang là một vấn nạn khi các vụ vi phạm liên tiếp xảy ra.
Đáng ngại là dù nhiều người Việt đã có ý thức cảnh giác với hàng hóa Trung Quốc, đặc biệt là đồ ăn thức uống thì vẫn có nguy cơ nhiễm độc bởi những mánh khóe ngày càng tinh vi của giới buôn lậu và gian thương.
Phỏng vấn bỏ túi vài bà nội trợ ở TPHCM, được biết loại táo ngoại đẹp mã, tươi lâu, to tròn vẫn được bày bán khắp các chợ của thành phố.
Nhưng với đủ loại nhãn mác chứng minh xuất xứ tù mù, khó có thể nói trong số trái cây nhập ngoại kia không tồn dư những chất hóa học độc hại và khó bà nội trợ nào biết được gốc tích của trái cây ngoại.
Một tờ báo từng giật tít: “Mối nguy từ hàng Trung Quốc: Hàng lậu sống, doanh nghiệp chết”. Nhưng đầy đủ và chính xác hơn, phải nói nếu hàng lậu hoành hành như hiện nay, không chỉ doanh nghiệp chết mà người dân
cũng “chết”.