Hàng hiệu giá bèo áp sát Thủ đô
> Hàng nhái ngập Móng Cái
> Vào 'thủ phủ' hàng dỏm lớn nhất miền Bắc
Hàng nhái từ Trung Quốc tập kết ở các chợ biên giới rồi tuồn sâu vào nội địa. Thậm chí, chợ Đồng Xuân ở giữa thủ đô cũng tràn ngập hàng nhái.
The north face nhưng còn gắn thêm dòng chữ made in Vietnam cho hợp trào lưu. |
Từ Móng Cái, Quảng Ninh chúng tôi chạy vòng theo đường biên giới sang Tân Thanh, Lạng Sơn. Ở cửa khẩu Tân Thanh, tình trạng hàng nhái áp sát biên giới cũng tương tự như ở Móng Cái. Tại Tân Thanh, các khu trung tâm thương mại lớn như Hồng Kông, Việt - Trung cũng bạt ngàn quần áo, đồ gia dụng, đồ điện tử Trung Quốc và các chủ cửa hàng đều không giấu giếm: hàng Trung Quốc nhái các thương hiệu của Nhật, Hàn Quốc như Panasonic, Sony, LG, Samsung... (với hàng điện máy) hay Nike, Adidas, Converse... (với hàng may mặc).
Lợi dụng chính sách “không quá 2 triệu”
Thương nhân Trung Quốc tập kết hàng hóa tại các kho hàng sát biên, phục vụ người mua mọi lúc mọi nơi. Kể cả lúc gà gáy sang canh họ cũng sẵn sàng giao hàng để đưa về Việt Nam Ông Hoàng Khánh Hòa, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn |
Nhấp chén rượu trong tiết trời giá lạnh, anh Nguyễn Văn Hùng, người dân tộc Tày ở Lạng Sơn thật thà kể: "Chúng tôi là cư dân biên giới, có sổ thông hành nên được các chủ đầu nậu thuê đi vác hàng, kiếm đôi ba trăm ngàn mỗi ngày. Họ bảo vác gì thì tôi vác nấy, khi là quần áo, lúc là vải vóc, khi đồ điện tử, mỗi ngày mỗi người được vác hàng trị giá không quá 2 triệu đồng. Nhưng bây giờ cũng khó khăn lắm, đầu nậu bắt đặt cọc tiền, hoặc họ giam tiền công của mình lên tới cả triệu đồng, nếu không may có một chuyến bị biên phòng, hải quan bắt là chủ trừ tiền ngay. Thế nên nhiều khi cũng phải nài nỉ, có khi phải giằng co với các ông hải quan, biên phòng để chạy thoát".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Khánh Hòa, Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: “Bên kia biên giới, thương nhân Trung Quốc tập kết hàng hóa tại các kho hàng sát biên, phục vụ người mua mọi lúc mọi nơi. Kể cả lúc gà gáy sang canh họ cũng sẵn sàng giao hàng để đưa về Việt Nam”.
Đáng chú ý, tình trạng hàng giả, hàng nhái từ Trung Quốc tuồn vào Lạng Sơn trong thời gian gần đây đang có sự chuyển hướng. “Khi lực lượng hải quan, biên phòng phối hợp chặn kín các đường tiểu ngạch thì các đầu nậu lợi dụng vào chính sách nhà nước cho cư dân vùng biên được mua hàng hóa không quá 2 triệu đồng/ngày để thuê người dân mang hàng lậu với hàng trăm, hàng ngàn người tham gia. Tình trạng này đang bùng phát phức tạp, người dân mỗi ngày mua cả chục bộ ấm chén, hàng chục bộ quần áo mang qua biên giới, dù biết là bất thường nhưng hải quan vẫn phải tạo điều kiện cho người dân”, ông Hòa cho biết.
Quy định trị giá hàng hóa không quá 2 triệu đồng, nhưng thực sự cũng rất khó kiểm soát. Ông Hòa giải thích: “Một đôi tất có giá là 5.000 đồng nhưng họ khai trị giá 2.000 đồng để mang được số lượng nhiều hơn, vấn đề này mình chỉ có thể ước lượng chứ không thể tính sát giá thị trường được”.
Nơi đề ra chính sách chống hàng giả, hàng nhái nhưng lại ngập tràn hàng nhái. |
“Làm gì có Nhật, Hàn, Ý ở đây”
Lạc đà chui qua lỗ kim Điều khó hiểu là từ biên giới Lạng Sơn hay Quảng Ninh về đến Hà Nội phải vượt qua không dưới 20 điểm chốt của công an giao thông, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, huyện, công an kinh tế... nhưng không hiểu sao hàng lậu, hàng nhái vẫn bán tràn ngập Hà Nội. Và điều lạ hơn nữa, ở giữa trung tâm thủ đô, hàng nhái vẫn bày bán công khai mà lực lượng quản lý thị trường không ngăn chặn nổi? |
Từ Lạng Sơn, xuôi Hà Nội trên QL1 về đến chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội, nơi cách Bờ Hồ - trung tâm Hà Nội gần 20 km là khu chợ vải nổi tiếng. Khu chợ này có hàng trăm quầy hàng bán vải, quần áo, phụ kiện thời trang. Khảo sát một vòng, có tới trên 80% hàng hóa tại chợ có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó các nhãn mác đa phần nhái các thương hiệu nổi tiếng. Ngày giáp tết, các chủ hàng tất bật với việc kiểm kê hàng hóa vừa nhập về hoặc cộng sổ, đếm tiền giao hàng cho khách từ Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định đến lấy.
Trong vai một ông chủ cửa hàng mới mở sạp vải ở Hòa Bình, xuống Hà Nội lấy hàng, chúng tôi dạo qua một loạt sạp vải. Chỉ vào một sấp vải có dòng chữ Hàn Quốc ở mép, cô bán hàng tên Nhung bảo: “Đây là hàng Hàn Quốc xịn đấy, bây giờ nhiều người chuộng hàng này lắm, giá là 90.000 đồng/mét. Khi tôi sờ vào mấy xấp vải kaki màu nâu nhạt, lại được cô này thuyết minh: “Đây là hàng Ý đấy anh, nhà em chỉ bán hàng xịn thôi, anh nhìn mép viền còn có chữ made in Italy”. Đến khi tôi bảo: “Thôi, không phải “chém gió” đâu, tôi mua buôn, mua mỗi loại 30 m, giá thế nào?”. Cô gái vội vàng thay đổi thái độ: “Gớm, sao anh không nói luôn từ đầu, làm em mất bao nhiêu công quảng cáo. Giá 65.000 đồng/m vải kaki anh ạ”. Toàn hàng Hàn Quốc với Ý mà giờ đồng giá, rẻ nhỉ, tôi chọc lại? Cô gái cười xòa: “Dân trong nghề anh còn trêu em, cả chợ này bán hàng Trung Quốc, làm gì có Nhật với Hàn với Ý ở đây anh”.
Mua được hàng, nhưng chúng tôi tỏ ra lo lắng: “Hôm trước anh bạn bị thu cả xe vải vì bị quản lý thị trường chặn đấy, em có hóa đơn không?”. Nhung nhíu mày rồi đáp: “Anh mua số lượng từ 30 triệu đồng trở lên em sẽ xuất hóa đơn cho, có hóa đơn đỏ thì anh khỏi lo nhé”.
Đi tiếp về Bờ Hồ, chợ Đồng Xuân sầm uất, chúng tôi càng ngạc nhiên khi ở giữa nơi tập trung các cơ quan đề ra chính sách chống hàng giả hàng nhái, nơi tập trung biết bao lực lượng giám sát như quản lý thị trường, công an, thuế vụ nhưng hàng nhái vẫn bày bán la liệt. Ở bên ngoài chợ, hàng điện máy, gia dụng như máy xay sinh tố, nồi cơm điện, đầu đĩa nhái cũng bán bạt ngàn, chủ hàng cũng thừa nhận là hàng nhái.
Không chỉ ở chợ Đồng Xuân, ở phố Hàng Ngang, Hàng Đào hay Thợ Nhuộm, Phùng Khắc Khoan..., quần áo, vải vóc nhái cũng ngập tràn bày bán ngang nhiên.
Chợ vải Ninh Hiệp quy tụ hàng loạt “thương hiệu nổi tiếng” từ Ý, Nhật, Hàn Quốc nhưng thực chất đều made in China. |
Converse nhưng tem lại nhái thương hiệu Li-ning. |
Chủ quầy tất bật đóng hàng gửi đi các tỉnh cho kịp dịp tết. Ảnh: Nguyễn Đức. |
Theo Thanh Niên